In bài viết

Thủ tướng: Không để DNNN thành 'sân trước, sân sau'

(Chinhphu.vn) – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong cổ phần hóa là lợi ích và động lực; yêu cầu tăng cường quản lý doanh nghiệp nhà nước, đừng để “sân trước, sân sau".

07/12/2016 15:00
Thủ tướng yêu cầu không nhập nhèm nhiệm vụ chính sách và kinh doanh của DNNN. - Ảnh: VGP

Kết luận Hội nghị toàn quốc toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đột xuất của năm 2017 của mọi cấp, mọi ngành.

Vì tuy đã có nhiều chủ trương nhưng chúng ta làm chưa được bao nhiêu, kể cả thoái vốn, kể cả cổ phần hóa và sắp xếp lại. Thủ tướng chỉ rõ, trong 5 năm qua, số lượng DNNN giảm đi nhưng tỉ lệ cổ phần hóa rất thấp, mới cổ phần hóa được 8% số vốn, 92% còn lại vẫn do nhà nước nắm giữ.

“Tức là cơ bản chúng ta chưa làm được bao nhiêu, vẫn rất nhỏ lẻ, rất ít, chưa thay đổi được cơ cấu của DN để quản trị tốt hơn”, Thủ tướng nói.

Trong khi đó, việc cổ phần hóa đã đem lại lợi ích rất cụ thể. Theo số liệu của Bộ Tài chính, với 350 DN đã cổ phần hóa năm 2015, kết quả lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập người lao động tăng 33%…

Thủ tướng nhắc tới những DN sau khi sắp xếp, tái cơ cấu lại, cổ phần hóa đã phát triển rất tốt, như VNPT, Vinamilk, hay Vinatex.

“Chúng ta cứ ngại, chúng ta không làm, chúng ta cứ để mãi như vậy thì chúng ta không bao giờ cổ phần hóa, không bao giờ sắp xếp lại được DNNN”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Lãnh đạo DNNN ít có động lực

Về những nguyên nhân gây chậm trễ, Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân khách quan như vướng mắc về thể chế, về cách làm. Bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân chủ quan.

“Thứ nhất, cái vướng mắc lớn nhất là lợi ích và động lực. Lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn đối với tiến trình cổ phần hóa, chưa tạo được động lực thực sự để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn”, Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ.

Cùng với đó, nhiều đề án cổ phần hóa được xây dựng, phê duyệt chậm. Phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong cổ phần hóa, hoàn thiện thể chế, một số chính sách chưa chặt chẽ, chưa ăn ý, chưa kịp thời.

Năng lực quản lý điều hành của cán bộ DNNN chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đòi hỏi. Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ, đánh giá đối với DNNN chưa có hiệu quả, còn hình thức, chưa minh bạch giữa nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Một nguyên nhân nữa cũng thuộc về Nhà nước là mô hình, tổ chức, cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước còn phân tán, thiếu chuyên nghiệp, phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn nhiều vướng mắc, lúng túng.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa và tạo môi trường cạnh tranh. DNNN có chi phí rất lớn, quản lý đất đai, tư liệu sản xuất rất lớn nhưng hiệu quả còn kém.

“Sự yếu kém của DNNN là bởi lãnh đạo DNNN không phải là chủ sở hữu thật nên ít có động lực cao độ để làm việc hiệu quả và cũng không bị giám sát chặt chẽ bởi chủ sở hữu hay thị trường như trường hợp doanh nghiệp tư nhân”, ông nêu rõ và yêu cầu, khu vực DNNN phải nhỏ đi, từng DNNN phải mạnh, hiệu quả phải cao hơn. Những gì tư nhân làm tốt, thị trường làm tốt thì Nhà nước sẽ rút dần ra, còn những lĩnh vực cần có vai trò của Nhà nước thì phải tính toán quản lý cho minh bạch, hiệu quả hơn.

Không nhập nhèm nhiệm vụ chính sách và kinh doanh

Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, trước hết phải xác định lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào Nhà nước cần rút ra. Quan điểm chỉ đạo là, lĩnh vực công ích và một số lĩnh vực thất bại thị trường, tức là lĩnh vực không ai làm hoặc độc quyền tự nhiên… thì Nhà nước nắm giữ và có vai trò chi phối.

Trong quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, mục tiêu quan trọng nhất là phải bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước, nghĩa là bán đúng giá trị thị trường thời điểm bán.

Nhóm nhiệm vụ thứ ba là quản trị sau cổ phần hóa. Phải đổi mới nâng cao hiệu quả DNNN mà Nhà nước nắm giữ 100% hoặc giữ cổ phần chi phối. Thủ tướng lưu ý tới một lý do DNNN hoạt động không hiệu quả, không quản lý được là phải thực hiện nhiều mục tiêu đan xen, thậm chí mâu thuẫn nhau.

“Vì vậy cần làm rõ mục tiêu chính sách và mục tiêu kinh tế của mỗi doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ. Đó là căn cứ để doanh nghiệp nhà nước hoạt động và hạch toán, tức không nhập nhèm nhiệm vụ chính sách và kinh doanh, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ ban hành các quy định mới để tháo gỡ vướng mắc về thể chế trong cổ phần hóa. Đồng thời yêu cầu sớm trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

“Nhân đây, tôi nói với các đồng chí một lần nữa rằng đến nay, ta vẫn còn gần 100 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, chiếm giá trị từ 70-100% vốn Nhà nước. Chúng ta phải tăng cường quản lý tốt nhất, đừng để “sân trước, sân sau””, Thủ tướng nói.

Thành Đạt