Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng đã đi thị sát hiện trường tại 3 nút giao IC3, IC4 và IC5 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, thuộc dự án Cần Thơ - Cà Mau trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025. Trong đó, IC4 là nút giao giữa 2 tuyến trục ngang và trục dọc.
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương và các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công các dự án nhằm đánh giá tình hình, nhận diện cụ thể những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ ngay.
Như vậy, Thủ tướng Chính phủ đã 11 lần trực tiếp kiểm tra tại công trường, động viên cán bộ, công nhân và bà con khu vực các dự án cao tốc trong vùng; riêng năm 2024 đã trực tiếp kiểm tra 6 lần.
Dự án cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau là đoạn tuyến cuối cùng của toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông chạy dọc đất nước, trong đó giai đoạn trước (2015-2020) đã hoàn thành 11 dự án thành phần với gần 700 km; giai đoạn 2021-2025 tiếp tục đầu tư để đến năm 2025 hoàn thành toàn bộ 12 dự án thành phần với khoảng 730 km để thông toàn tuyến.
Việc hoàn thành đúng hạn dự án Cần Thơ – Cà Mau có ý nghĩa quan trọng kết nối thông toàn tuyến từ Bắc vào Nam, mở ra không gian phát triển mới, kết nối các địa phương 3 miền Bắc - Trung - Nam; đồng thời truyền cảm hứng, tạo động lực lan tỏa cho các dự án quan trọng khác để về đích ở năm 2026 và các năm tiếp theo (trong đó có các dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, cầu Đại Ngãi 2, Cầu Rạch Miễu 2, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu…).
Dự án cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau gồm tuyến chính dài hơn 110,85 km và 25,85 km tuyến nối; được chia làm 2 dự án thành phần gồm đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và đoạn Hậu Giang – Cà Mau do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư 27.523 tỷ đồng, khởi công ngày 1/1/2023, tiến độ hoàn thành vào 31/12/2025.
Cách đây 2 tháng (vào ngày 15/10/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc đã làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương vùng ĐBSCL, với quyết tâm thống nhất giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các dự án cao tốc trong vùng, trong đó có dự án này.
Theo các báo cáo, khối lượng công việc làm được với dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau sau buổi họp ngày 15/10 là đáng ghi nhận. Cụ thể, đã hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng trên tuyến chính (110,8 km) và cơ bản hoàn thành với 28 km tuyến nối, chỉ còn khoảng 200 m trên địa bàn TP. Cần Thơ đang được xử lý.
Các nhà thầu đã huy động 234 mũi thi công, 971 thiết bị, 3.000 nhân lực, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp, sản lượng đạt 55%/61% kế hoạch. Về cát san lấp, đã đưa về công trường 11,8 triệu m3/15,2 triệu m3 của năm 2024, còn thiếu 3,4 triệu m3. Lũy kế giải ngân đến nay 14.353/14.766 tỷ đồng (đạt 97%); trong năm 2024 đã giải ngân 5.831/6.356 tỷ đồng (đạt 92%), đáp ứng kế hoạch.
Tuy nhiên, việc thi công các dự án hạ tầng giao thông ở khu vực phía nam và ĐBSCL luôn có nhiều khó khăn, như về vật liệu san lấp đắp nền đường. Việc thiếu cát san lấp của dự án này cũng là tình hình chung của các dự án khác trong vùng và đây cũng là vấn đề mấu chốt quyết định tiến độ các dự án thời điểm này. Tại cuộc làm việc, các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo về các vấn đề liên quan cát san lấp, giá vật liệu, cấp phối đá dăm...
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại ĐBSCL có 2 điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và nhân lực. Đảng, Nhà nước rất quan tâm việc giải quyết, tháo gỡ 2 điểm nghẽn này cho ĐBSCL, với lộ trình, thời gian, bước đi phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện đất nước. Theo quy hoạch, tới năm 2030, ĐBSCL có 1.200 km cao tốc và chúng ta quyết tâm thực hiện mục tiêu này.
Thủ tướng yêu cầu dứt khoát không thay đổi tiến độ, tới 31/12/2025 phải thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông (từ Cao Bằng - Lạng Sơn đến Cà Mau). Đây là mệnh lệnh của trái tim, yêu cầu của đất nước, trông đợi của nhân dân. Đồng thời, nghiên cứu tiếp tục triển khai đoạn tuyến cao tốc từ TP. Cà Mau tới Đất Mũi (khoảng 80 km), giao Cà Mau triển khai với sự hỗ trợ, bố trí vốn của Trung ương, cố gắng khởi công trong năm tới.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ bàn làm, không bàn lùi; cấp ủy và chính quyền phải có trách nhiệm, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các đoàn thể vào cuộc, người dân tham gia, doanh nghiệp ủng hộ, với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, không để nhà thầu, ban quản lý dự án cô đơn trên công trường.
Các nhà thầu chính không bán thầu nhưng phải hợp tác, chia sẻ công việc, tạo cơ hội, điều kiện cho các nhà thầu địa phương lớn mạnh, trưởng thành với tinh thần cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển. Những phần việc có thể làm thủ công thì các lực lượng thanh niên, quân đội, công an… tích cực tham gia thực hiện. Các địa phương, đoàn thể, cơ quan cần tích cực hưởng ứng đợt cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc".
Ghi nhận những kết quả, tiến bộ tại dự án Cần Thơ – Cà Mau sau cuộc làm việc cách đây 2 tháng, Thủ tướng nêu rõ chúng ta không thể chủ quan, lơ là, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công dự án, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống tiêu cực, lãng phí.
Thủ tướng nhấn mạnh tất cả các chủ thể liên quan cần rút ra các bài học kinh nghiệm sau thời gian triển khai dự án, những gì làm tốt thì làm tốt hơn, những gì chưa tốt thì phải khắc phục; chủ động, tích cực thực hiện các công việc được giao theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vướng ở đâu thì ở đó phải giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương liên quan, nhất là Tiền Giang kiểm tra lại ngay việc cấp phép các mỏ và giá cả nguyên vật liệu san lấp, xử lý nghiêm các cá nhân làm chậm và nhất là nếu có tiêu cực. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn Luật Địa chất và Khoáng sản mới, cùng các bộ hướng dẫn cụ thể, phối hợp chặt chẽ, các địa phương liên quan phải hoàn thành thủ tục cấp phép cát, sỏi, đá trong tháng 12/2024, đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai ngay, kiên quyết không để thiếu vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án, phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Về công tác tổ chức thi công, đến thời điểm này, sản lượng toàn tuyến Cần Thơ – Cà Mau đạt 53%/61% kế hoạch năm 2024 (vẫn còn chậm 8%), trong đó một số nhà thầu đang chậm tiến độ. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tập trung chỉ đạo quyết liệt Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục để khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, bảo đảm đủ trữ lượng và công suất; chủ động hơn nữa, tăng cường hơn nữa lực lượng nhân công, thiết bị, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung thi công bù lại phần chậm tiến độ. Cùng với đó, Bộ GTVT hướng dẫn việc triển khai các biện pháp thi công tích cực, chủ động hơn để rút ngắn thời gian.
Các nhà thầu tăng cường máy móc thiết bị, nhân lực thi công với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "làm việc 3 ca, 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương"; góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa các công trình về đích vượt tiến độ đề ra.
UBND TP. Cần Thơ chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền cơ sở xử lý dứt điểm, bàn giao mặt bằng 100% trong tháng 12/2024. Lãnh đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương, nhất là trên địa bàn thi công tiếp tục làm tốt công tác tái định cư; tiếp tục chăm lo đời sống của người dân đã nhường đất đai, nhà cửa, ruộng vườn… để dự án được triển khai cơ bản đáp ứng yêu cầu; bảo đảm cuộc sống tại nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, đặc biệt chăm lo đời sống cho Nhân dân và quan tâm đội ngũ kỹ sư, công nhân, người lao động trên công trường, nhất là trong dịp Tết đến, Xuân về./.