Tham gia đoàn công tác có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh.
Tại hầm Dốc Sạn, Thủ tướng và đoàn công tác đã kiểm tra tình hình triển khai dự án Nha Trang-Cam Lâm, chúc Tết cán bộ, công nhân viên tham gia dự án tại công trường.
Hầm Dốc Sạn và dự án Nha Trang-Cam Lâm cũng là những địa điểm mà trong chuyến công tác "xuyên Tết, xuyên Việt" đầu năm 2022, Thủ tướng đã tới kiểm tra, đôn đốc, động viên vào đúng mùng 5 Tết. Khi đó, Thủ tướng đề nghị các bên nỗ lực phấn đấu hoàn thành dự án trước 4 tháng. Cũng tại đây, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ đã giải quyết ngay 4 đề xuất của nhà đầu tư, nhà thầu liên quan tới chi phí dự án, vấn đề kỹ thuật, thiết kế… Nhà đầu tư cam kết thi công tuyến đường trở thành một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam, với công nghệ tiên tiến, bảo đảm chất lượng, bảo hành 10 năm.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 1 (2017-2020) có tổng chiều dài 652,86 km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư hợp tác công tư PPP và 8 dự án đầu tư công). Hiện dự án thành phần Cao Bồ-Mai Sơn (dài 15,2 km) và dự án thành phần đoạn Cam Lộ-La Sơn (98,3 km) đã đưa vào khai thác; 9 dự án còn lại đang tiếp tục triển khai thi công.
Trong đó, dự án cao tốc thành phần Nha Trang-Cam Lâm dài hơn 49 km, đi qua huyện Diên Khánh, Cam Lâm và TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Đây là một trong 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP có thời gian xây dựng 2 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước tham gia khoảng 2.967 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) quản lý dự án, Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang-Cam Lâm (Tập đoàn Sơn Hải) là doanh nghiệp đầu tư dự án, dự kiến hoàn thành vào quý III/2023.
Thuộc dự án Nha Trang-Cam Lâm, hầm Dốc Sạn xuyên núi Dốc Sạn qua tỉnh Khánh Hòa là một trong những "mắt xích" quan trọng trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1, với chiều dài 1.480 m/2 ống hầm hoàn chỉnh song song, mỗi ống hầm dài hơn 700 m.
Theo báo cáo, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án Nha Trang-Cam Lâm đã bàn giao 49/49,1 km, đạt 99,8%. Dự án cơ bản đáp ứng tiến độ, nhà đầu tư cam kết rút ngắn tiến độ 3 tháng. Sản lượng thực hiện các gói thầu xây lắp từ khởi công đến nay khoảng 2.786/4.345 tỷ đồng (đạt 64,1% giá trị hợp đồng).
Ban Quản lý dự án sẽ tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công gói thầu số 1 tận dụng tối đa thời tiết thuận lợi, tập trung máy móc, thiết bị, tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành công tác đắp nền của gói thầu để thi công móng, mặt đường... đáp ứng tiến độ chung của dự án.
Đại diện Tập đoàn Sơn Hải cho biết được sự đồng ý của Thủ tướng trong chuyến công tác năm ngoái, doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ mới thi công dải phân cách, tiết kiệm hơn, an toàn hơn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã bỏ thêm kinh phí để mở rộng phần lề đường so với thiết kế, giúp an toàn hơn. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư dự án không thay đổi.
Đi dọc tuyến dự án, Thủ tướng vui mừng trước con đường đang hình thành, nhiều đoạn đã hoàn thiện. Trên công trường đang thi công, Thủ tướng biểu dương các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công nhân đã làm việc với tinh thần "xuyên Tết". Thủ tướng nhấn mạnh việc thi công phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính kỹ thuật, mỹ thuật và môi trường, bảo đảm an toàn lao động cho công nhân và an toàn cho người dân...
Đặc biệt, tại hầm Dốc Sạn, Thủ tướng nhắc lại cách đây 1 năm, trong chuyến công tác xuyên Việt, xuyên Tết, nhà thầu vừa bắt đầu đào qua núi với nhiều khó khăn, thách thức, đến nay hầm đã thông. Thủ tướng vui mừng, đánh giá cao nỗ lực và kết quả này, ghi nhận doanh nghiệp "nói là làm" và làm có hiệu quả, dự án triển khai nhanh.
Thủ tướng chúc doanh nghiệp ngày càng phát triển theo hướng công nghệ cao, trở thành tập đoàn lớn, làm ăn có lãi trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng giao Bộ GTVT xem xét, giải quyết ngay các kiến nghị của doanh nghiệp, nhân rộng các kinh nghiệm, bài học tốt đã được thực tiễn chứng minh là đúng; trong đó có việc công bố bảo hành tuyến đường 10 năm, nếu cần thì sửa đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định.
Thủ tướng nhấn mạnh bài học bám sát thực tiễn; nghiên cứu sửa đổi quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu tốt, đủ năng lực, tâm huyết, nói là làm, tránh tình trạng nhà đầu tư, nhà thầu đã có công trình tốt trong thực tế nhưng lại không được tham gia các dự án với lý do không đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí, như vậy là tiêu chuẩn, tiêu chí có vấn đề.
"Không cài cắm, lợi ích nhóm, làm sao để người làm được ngẩng cao đầu mà làm, công khai, minh bạch, không phải chạy vạy gì cả", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần huy động nguồn lực xã hội bằng các hình thức hợp tác công tư để phát triển đất nước, nếu chỉ nguồn lực Nhà nước thì không đủ, điều quan trọng là tìm điểm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tất cả cùng thắng.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu thưởng phạt nghiêm minh, kịp thời, làm tốt phải thưởng, làm không tốt phải phạt.
* Sau khi kiểm tra, đôn đốc dự án cao tốc Nha Trang-Cam Lâm, tại ga Tháp Chàm, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ ra quân dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang-Sài Gòn và chúc Tết cán bộ, công nhân viên tham gia dự án và các bộ, nhân viên ga Tháp Chàm.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, giai đoạn 2016-2020, lĩnh vực đường sắt triển khai 4 dự án nâng cấp, cải tạo các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM với số vốn khoảng 7.000 tỷ đồng. Đến nay, các dự án đã cơ bản hoàn thành đáp ứng tiến độ, chất lượng, còn lại 4/tổng số 35 gói thầu xây lắp dự kiến hoàn thành năm 2023.
Giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực đường sắt đang chuẩn bị triển khai 8 dự án với số vốn khoảng 9.580 tỷ đồng, trong đó 2 dự án sử dụng vốn ODA và 6 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang-Sài Gòn sẽ cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia khổ 1.000 mm với các hạng mục: Cải tạo 4 cầu yếu trên tuyến; cải tạo kiến trúc tầng trên khoảng 87 km; cải tạo, sửa chữa ga hàng Sóng Thần và ga khách Dĩ An nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải; cải tạo hệ thống thông tin tín hiệu đồng bộ. Đến nay, đã ký hợp đồng 2 gói thầu xây lắp và đủ điều kiện để khởi công; 1 gói thầu đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế.
Phát biểu tại lễ ra quân, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Ninh Thuận và các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã chủ động tích cực, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành các thủ tục theo quy định để triển khai thi công dự án quan trọng và có ý nghĩa này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước và là một trong ba đột phá chiến lược.
Nhiều chính sách, giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng nói chung, giao thông nói riêng đã và đang tạo ra hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại trên khắp cả nước.
Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới về kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cả nhân dân, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả.
Thực tiễn kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cũng như ở trong nước thời gian qua đã chứng minh, tỉnh nào, vùng nào có giao thông thuận lợi thì kinh tế-xã hội phát triển nhanh hơn, đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn, quốc phòng, an ninh bảo đảm tốt hơn.
Giao thông vận tải đường sắt nước ta đã có quá trình phát triển lâu dài và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Vận tải đường sắt là một lĩnh vực vận tải có nhiều ưu thế, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Ngay sau khi giải phóng đất nước, một trong những việc đầu tiên chúng ta làm là khôi phục hệ thống đường sắt.
Thủ tướng cho biết, trong nhiệm kỳ này chúng ta huy động được khoảng 500.000 tỷ đồng vốn Nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông, gấp khoảng 3 lần so với nhiệm kỳ trước. Gần đây nhất, các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2 đã khởi công ngày 1/1/2023.
Tuy nhiên, như báo cáo của Bộ GTVT, thời gian vừa qua, do khó khăn về nguồn lực đầu tư nên về cơ bản mạng lưới đường sắt trong nước không có thay đổi so với trước đây; các dự án đầu tư trong lĩnh vực đường sắt mới chỉ tập trung cải tạo, nâng cấp; chưa đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến mới theo quy hoạch.
Vận tải đường sắt còn bộc lộ một số bất cập, chưa phát huy được thế mạnh vốn có của phương thức vận tải khối lượng lớn, đường dài, thị phần giảm sút so với các phương thức vận tải khác làm ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển cân bằng của hệ thống GTVT, chưa kéo giảm được nhiều chi phí logictics, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã xác định mục tiêu đến năm 2030 phải cải tạo nâng cấp để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, đồng thời xây dựng một số tuyến đường sắt trên các hành lang trọng yếu, đường sắt kết nối cảng biển, cảng hàng không quốc tế, kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp,... và kết nối quốc tế.
"Đây thực sự là một nhiệm vụ rất nặng nề và nhiều thách thức, đòi hỏi quyết tâm rất lớn, nỗ lực rất cao, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, coi là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện bằng được quy hoạch", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cụ thể hóa chủ trương và chính sách của Đảng về phát triển đường sắt cao tốc Bắc-Nam, Chính phủ đã giao các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam để trình Hội đồng thẩm định nhà nước và các cấp để sớm triển khai theo quy hoạch, trong đó, nghiên cứu triển khai trước đoạn TPHCM-Cần Thơ.
Cùng với đó, Chính phủ đã phê duyệt và bố trí khoảng 3.100 tỷ đồng trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn từ Hà Nội đến TPHCM.
Để dự án được hoàn thành bảo đảm an toàn, chất lượng và tiến độ, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công và tuyệt đối an toàn chạy tàu, giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời phải huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành dự án.
Rút kinh nghiệm từ triển khai các dự án vừa qua và phát huy những thành quả đã đạt được, Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan của Trung ương, UBND tỉnh Ninh Thuận, phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để chủ đầu tư và các nhà thầu thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị toàn bộ các chủ thể tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với ngành và cao hơn nữa với nhân dân, với Tổ quốc; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai dự án đúng tiến độ với tinh thần "tất cả vì nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước". Nguồn lực hơn 3.000 tỷ đồng không nhiều, nhưng nếu sử dụng tốt sẽ phát huy hiệu quả cao.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh hợp tác công tư để thu hút mọi nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải, bởi "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân".
Thủ tướng khẳng định: Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; đồng thời, nghiên cứu phát triển các tuyến đường sắt kết nối vùng kinh tế trọng điểm, kết nối cảng biển, cảng hàng không quốc tế.
Chính phủ sẽ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các dự án đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, tránh đội vốn bất hợp lý; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân./.