Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Trước đó, trong ngày 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát thực tế địa điểm dự kiến xây dựng sân bay Măng Đen (huyện Kon PLông), nghe báo cáo về việc lập quy hoạch sân bay này, hướng tuyến cao tốc Kon Tum-Quảng Ngãi, định hướng lập quy hoạch, phát triển Khu du lịch quốc gia Măng Đen; khảo sát tại vườn sâm Ngọc Linh, xã Ngọk Lây huyện Tu Mơ Rông, thăm một số hộ dân và doanh nghiệp liên kết trồng sâm, tặng 12.000 cây giống sâm Ngọc Linh cho các hộ nghèo; nghe báo cáo, đề xuất về việc phát triển điện gió trên địa bàn; thăm, tặng quà Trường Phổ thông Dân tộc nội trú của huyện Tu Mơ Rông, trường mầm non thị trấn Măng Đen và nghe báo cáo, kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 trên địa bàn tỉnh; thăm Nhà văn hóa làng Kon Pring, thị trấn Măng Đen.
Tăng trưởng đầu năm cao nhất khu vực Tây Nguyên
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Kon Tum, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 17.631 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 9,47%, GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 53,2 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng đạt 6,8% so với cùng kỳ năm 2022 và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2022 hơn 23.100 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 là 12.442 tỷ đồng, đạt 46,1% kế hoạch và tăng 17,1% so với cùng kỳ; trong đó, vốn đầu tư từ khu vực tư nhân là 9.977 tỷ đồng, đạt 48,9% kế hoạch và tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 4.050 tỷ đồng, bằng 145,3% dự toán Trung ương giao (2.787 tỷ đồng) và bằng 101,1% dự toán địa phương giao (4.000 tỷ đồng); đến ngày 31/7/2023 đạt 1.786 tỷ đồng, bằng 55% dự toán Trung ương giao (3.246 tỷ đồng) và bằng 39,7% dự toán địa phương giao (4.500 tỷ đồng).
Giải ngân đầu tư công đến hết tháng 7 đạt 1.166 tỷ đồng, đạt 35,6% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 địa phương đã giao. Đến nay, đã có 42/85 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (chiếm 49,4% tổng số xã), bình quân toàn tỉnh đạt 15,34 tiêu chí/xã.
Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp-xây dựng năm 2022 đạt 14,88% (trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 10,7% so với cùng kỳ). Hoạt động thương mại, dịch vụ được phục hồi và phát triển. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành (giá so sánh 2010) năm 2022 đạt 8,3% (06 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng đạt 5,3% so với cùng kỳ).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 đạt 29.155 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 16.998 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch và tăng 11,04% so với cùng kỳ; đến ngày 31/7/2023 đạt 19.791 tỷ đồng, bằng 62,9% kế hoạch và tăng 16% so với cùng kỳ.
Ngành du lịch tiếp tục phát triển; năm 2022, thu hút được trên 1,3 triệu lượt khách; 7 tháng đầu năm 2023 thu hút trên 01 triệu lượt khách, đạt 80,6% kế hoạch và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum năm 2022 xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2021; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố, tăng 04 bậc so với năm 2021; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố, tăng 02 bậc so với năm 2021. Từ đầu năm 2022 đến nay đã thu hút 27 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 2.789,6 tỷ đồng, có 476 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 7.831 tỷ đồng.
Về văn hóa, xã hội, chất lượng giáo dục được nâng lên, có 189/359 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 52,6%); điểm trung bình môn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh Kon Tum đạt 6,34 điểm (tăng 06 bậc so với năm 2022, đứng thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên) và tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023 là 98,74% (tăng 1% so với năm 2022).
Công tác giảm nghèo tiếp tục được tập trung chỉ đạo, tổng số hộ nghèo đến cuối năm 2022 khoảng 15.943 hộ, chiếm tỷ lệ 10,86% (giảm 4,46% so với năm 2021). Công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống của các dân tộc thiểu số được chú trọng thực hiện.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại được tăng cường.
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tỉnh đã tổ chức tốt việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng. Công tác tổ chức, cán bộ được thực hiện đúng quy trình, quy định. Đã tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch đối với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, ban hành Kế hoạch luân chuyển cán bộ giai đoạn từ nay đến năm 2025 và nhiệm kỳ tiếp theo; thực hiện tốt việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị, qua đó giảm được 38 đơn vị thuộc và trực thuộc các sở (gồm 21 phòng và 17 chỉ cục, trung tâm thuộc sở); giảm 56 phòng chuyên môn và tương đương; giảm 25 cấp trưởng, 09 cấp phó phòng thuộc các cơ quan cấp tỉnh...
Năm 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 1.776 đảng viên và 614 tổ chức đảng; giám sát 1.696 đảng viên và 479 tổ chức đảng; đã xem xét thi hành kỷ luật 206 đảng viên, 03 tổ chức đảng. Sáu tháng đầu năm 2023 đã tiến hành kiểm tra 237 đảng viên, 207 tổ chức đảng; giám sát đối với 372 đảng viên và 84 tổ chức đảng; xem xét thi hành kỷ luật 01 tổ chức đảng và 97 đảng viên.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về cuộc làm việc.
Hà Văn