Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Đây là hội nghị diễn ra thường niên nhằm đánh giá kết quả phối hợp công tác năm qua và bàn phương hướng thời gian tới.
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng đề nghị đổi mới cách thức họp, để làm sao hiệu quả, thiết thực hơn nữa, không nêu lại các thông tin đã nói đến nhiều như tình hình kinh tế - xã hội năm 2018.
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn các đại biểu đi thẳng vào một số vấn đề như tình hình nhân dân đối với Chính phủ và MTTQ như thế nào để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Thủ tướng cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề đại đoàn kết dân tộc, đồng thuận xã hội trong bối cảnh có sự tác động của nhiều yếu tố như mạng xã hội, các thế lực phản động… “Điều mà chúng ta tự hỏi là người dân đang cần 2 cơ quan của chúng ta là gì?”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận về công tác dân vận, công tác cán bộ của MTTQ và của chính quyền các cấp khi “chúng ta thấy cần tiếp tục nâng cao kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo hiện nay như thế nào”. Thủ tướng mong muốn MTTQ, chính quyền các cấp đối thoại ngay với người dân tại địa phương, nhất là những vụ việc kéo dài, đông người, không để đốm lửa nhỏ có thể trở thành đám cháy lớn.
Vấn đề nữa Thủ tướng đặt ra là vấn đề gần dân, lắng nghe, giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân. Vai trò của MTTQ, chính quyền các cấp trong việc củng cố niềm tin của nhân dân rất quan trọng. Một vấn đề lớn đặt ra là vấn đề nêu gương của cán bộ trong bộ máy chính quyền, trong hệ thống MTTQ, cần được thảo luận để từ hội nghị này lan tỏa đến hệ thống MTTQ, chính quyền các cấp.
Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Theo Thủ tướng, ngoài việc chống tham nhũng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc thì MTTQ cũng cần có tiếng nói đối với các vấn đề thời sự của đất nước như vấn đề thi cử, một số vấn đề đối với trẻ em, từ đuối nước đến vấn đề dâm ô trẻ em cũng như lên án các hành vi tiêu cực, lệch lạc trong xã hội hay vấn đề giữ gìn văn hóa trong hội nhập quốc tế, vấn đề xã hội hóa nguồn lực.
Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức gần 17.000 cuộc phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện nay, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang triển khai 8 chương trình giám sát với sự tham gia của 15 tổ chức thanh viên MTTQ Việt Nam và 13 bộ, ban, ngành và Chính phủ.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về cuộc làm việc này.
Đức Tuân