Với chủ đề "Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm", Hội nghị WEF năm nay sẽ có hơn 300 phiên thảo luận thu hút khoảng 3.000 đại biểu tham gia, bao gồm lãnh đạo nhiều nước, các tổ chức quốc tế lớn, các tập đoàn hàng đầu thế giới, các học giả có uy tín.
Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng đa dạng và phức tạp, đây là sự kiện quốc tế có ý nghĩa lớn góp phần đề ra những giải pháp bền vững giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Kể từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ hợp tác vào năm 1989, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các hội nghị thường niên của WEF tại Davos và Đông Á.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam và WEF tiếp tục phát triển tích cực.
Năm 2010, Việt Nam đã tổ chức WEF về Đông Á tại TPHCM.
Tháng 10/2016, tại Hà Nội, Việt Nam đã phối hợp với WEF tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mekong (WEF-Mekong) nhân Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 7, Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 8.
Đây là dấu ấn quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và WEF, được WEF và cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực đánh giá cao.
Tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017 tại Davos năm nay, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu sẽ tiếp tục truyền tải thông điệp mạnh mẽ về triển vọng kinh tế Việt Nam và quyết tâm của Việt Nam về đổi mới toàn diện đất nước và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Điều này cho thấy cam kết xây dựng Chính phủ hành động và kiến tạo phát triển của Việt Nam phù hợp với chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm” của WEF 2017.
Hội nghị cũng là dịp để Việt Nam quảng bá về vị thế, vai trò của Việt Nam trên cương vị chủ nhà APEC 2017 nhằm thu hút sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động của Năm APEC 2017.
Đức Tuân