Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cách đây vài ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Sa Pa là Khu du lịch quốc gia thứ 2 của cả nước. Tại cuộc làm việc với tỉnh Lào Cai hồi tháng 5/2017, Thủ tướng cũng đã đồng ý chủ trương xây dựng Sa Pa thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế.
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho biết, hiện nay, với lượng khách du lịch đến Sa Pa năm 2017 là trên 2,5 triệu, đến 2020 là trên 4 triệu lượt khách, đến 2030 là trên 8 triệu lượt khách thì khó khăn lớn nhất đối với Khu du lịch quốc gia Sa Pa là hệ thống giao thông kết nối đối ngoại. Cụ thể, tuyến đường BOT kết nối Lào Cai-Sa Pa triển khai chậm do khó khăn về nguồn vốn; tuyến đường sắt khổ rộng 1.435 chưa được nghiên cứu cụ thể; dự án xây dựng sân bay Lào Cai vẫn chưa được khởi công xây dựng do khó khăn về nguồn vốn và hình thức đầu tư.
Trong khi đó, hiện nay số lượng xe ô tô đến thị trấn Sa Pa khoảng 5.000-8.000 xe/ngày, trong đó có một số lượng lớn xe đi phía hạ huyện Sa Pa kết nối với tỉnh lộ 152 ra cao tốc Hà Nội-Lào Cai. Các phương tiện kể cả xe tải hiện đều phải đi qua trung tâm thị trấn gây ách tắc thường xuyên, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Để mở rộng không gian đô thị, xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa, trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh đã thu hút trên 20 dự án đầu tư quy mô lớn vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp của các tập đoàn, công ty lớn, với tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội về du lịch đạt trên 15.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút nhiều dự án lớn với tổng nguồn vốn trên 50.000 tỷ đồng, gấp 3,33 lần so với giai đoạn 2010-2015.
Trước tình hình trên, tỉnh Lào Cai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương thực hiện một số dự án trọng điểm phát triển đô thị và du lịch trong giai đoạn 2017-2020, gồm Dự án xây dựng Trung tâm hành chính mới huyện Sa Pa, Dự án Tổ hợp dịch vụ cao cấp Khu trung tâm Sa Pa, Dự án Công viên văn hóa Mường Hoa, Dự án Khu đô thị mới Đông Bắc Sa Pa.
Tỉnh cũng kiến nghị một số nội dung khác gồm thành lập thị xã Sa Pa trên cơ sở nâng cấp huyện Sa Pa; đầu tư cửa khẩu quốc tế Lào Cai có hệ thống hạ tầng đồng bộ gắn với các cơ chế để khai thác thế mạnh về kinh tế cửa khẩu hỗ trợ cho phát triển du lịch với mục tiêu Lào Cai là trung tâm trung chuyển quốc tế về hàng hóa và du lịch… với dự báo đến 2020, có trên 6 triệu lượt khách và trên 15 triệu tấn hàng hóa.
Đồng ý về mặt chủ trương việc nâng cấp huyện thành thị xã Sa Pa, Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng Sa Pa không chỉ là khu du lịch quốc gia mà phấn đấu thành khu du lịch quốc tế.
Về 4 phương án thành lập thị xã mà Lào Cai trình, Thủ tướng nêu rõ, mỗi phương án đều có ưu điểm, nhược điểm nhưng tinh thần chung là trước hết bảo đảm tính nguyên vẹn, giữ văn hóa của Sa Pa. “Sa Pa phát triển không chỉ là những ngôi nhà, những con đường mà văn hóa của người địa phương, các dân tộc anh em ở đây là rất quan trọng”, Thủ tướng nói.
“Chúng ta giữ gìn văn hóa ở đây là yếu tố thu hút lâu dài trên cơ sở phát triển hạ tầng, các điều kiện để tương xứng với thị xã, vận dụng các tiêu chí mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra với đặc thù của một thị xã vùng cao, núi non hiểm trở”. Chuyển đổi mà làm mất đi văn hóa thì Sa Pa cũng không còn nữa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự buổi làm việc. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng làm việc trực tiếp với Lào Cai để chọn phương án tốt nhất, thuyết phục, nhất là về tiêu chí số xã, phường để chuyển đổi thành thị xã. Bộ Nội vụ chủ trì thành lập hội đồng thẩm định để trình Chính phủ xem xét trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để vận dụng đúng mức các tiêu chí nâng cấp từ huyện lên thị xã.
Bộ Tư pháp hướng dẫn thủ tục cần thiết để thực hiện quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở vận dụng đối với thị xã vùng cao đặc thù.
“Làm sao đỡ xáo trộn nhất, đỡ tốn kém nhất, giữ được màu xanh của núi rừng, giữ được văn hóa của bản địa rất quan trọng trong phát triển”, Thủ tướng nói và lưu ý, không phải làm thị xã theo kiểu đồng bằng đối với Sa Pa, bởi đây là thị xã đặc thù. Những gì cổ kính phải giữ nguyên vẹn, đó mới là ấn tượng, kể cả vật thể và phi vật thể.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải khắc phục được bất cập của các phương án để chọn phương án tối ưu nhất, “làm sao thực hiện tốt tinh thần của Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, bộ máy, làm sao giải quyết được vấn đề dân trí, giữ gìn văn hóa dân tộc, làm sao chuyển được lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp rất quan trọng. Cuối cùng vẫn là giải quyết vấn đề đời sống người dân. Anh chuyển đổi tức là anh phải nâng cao mức sống người dân ở địa phương”.
Đối với các kiến nghị khác của Lào Cai, Thủ tướng ủng hộ với tinh thần mong muốn Lào Cai nhanh chóng là một địa phương đi đầu vùng Tây Bắc, để thực hiện không chỉ xóa đói giảm nghèo mà có thể tự cân đối được ngân sách trong tương lai.
Đức Tuân