Cùng đi với Thủ tướng có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cảm ơn Chính phủ và tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho Samsung hoạt động trong suốt 15 năm qua; thông báo về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh hiện nay; khẳng định Samsung cam kết đầu tư lâu dài, bền vững tại Việt Nam; nêu một số kiến nghị, đề xuất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử của Công ty, trao đổi với các nhân viên Samsung về tình hình sản xuất - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trả lời cụ thể các đề xuất, kiến nghị, lãnh đạo các bộ, ngành khẳng định phía Việt Nam đảm bảo thực hiện nhất quán các chính sách đã cam kết với nhà đầu tư, luôn quan tâm, coi trọng việc cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực… nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời các đề xuất, kiến nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp không trái với quy định và cam kết quốc tế trên tinh thần hài hòa lợi ích của các bên, khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu cũng như các nhà đầu tư mới, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Liên quan đến việc cung ứng điện, vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã có những động thái quyết liệt chấn chỉnh tình trạng cung ứng điện cũng như triển khai các dự án nguồn điện đã được cấp phép theo quy hoạch.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, cảm ơn, đánh giá cao hoạt động đầu tư và những thành tựu, kết quả của tập đoàn Samsung tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng phát triển và tháng 12/2022, Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của Samsung trong quá trình hoạt động, phát triển tại Việt Nam.
Trong hơn 2 năm qua, Thủ tướng đã có 4 chuyến thăm, làm việc tại các cơ sở của Samsung tại Việt Nam, 5 lần gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Samsung.
Điều này khẳng định sự quan tâm của Chính phủ với các doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đó có doanh nghiệp FDI; tinh thần lắng nghe, cầu thị, hợp tác cụ thể, trách nhiệm, đem lại kết quả cụ thể, sự hài lòng cho cả hai bên, đúng tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Việt Nam và các doanh nghiệp FDI.
Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn mới, Việt Nam phát triển chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy con người làm mục tiêu, chủ thể nguồn lực, động lực phát triển. Samsung cũng phát triển theo định hướng này; như vậy hai bên gặp nhau ở định hướng lớn và tin tưởng rằng hai bên sẽ đi đến cùng mục tiêu.
Theo Thủ tướng, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất. Lòng tin chính trị giữa hai nước không ngừng được củng cố; hợp tác trên các lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, nhất là chính trị, kinh tế, văn hóa. Giao lưu nhân dân hai nước ngày càng mật thiết, diễn ra nhộn nhịp với hơn 200.000 kiều dân mỗi nước đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước kia.
Nền văn hóa hai nước có nhiều điểm tương đồng, Việt Nam đang đề nghị phía Hàn Quốc tăng cường hợp tác, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí. Thủ tướng lấy ví dụ, ban nhạc Black Pink đang có chuyến biểu diễn tại Hà Nội và thu hút sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ.
Về kinh tế, thương mại và đầu tư, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất với 82 tỷ USD; đứng thứ 2 về hợp tác phát triển, du lịch và lao động; đứng thứ ba về hợp tác thương mại đạt 86,4 tỷ USD năm 2022.
Theo Thủ tướng, Việt Nam đang đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng). Việt Nam có chính sách ưu tiên cho nhà đầu tư lớn, đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, tăng trưởng xanh, đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và Samsung là nhà đầu tư hội tụ đủ các yếu tố này.
Đến nay, Samsung là nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất và cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 20 tỷ USD, xác định Việt Nam là cứ điểm đầu tư lâu dài. Điều này chứng tỏ hoạt động hợp tác, đầu tư của Samsung là đúng hướng, hiệu quả.
Các dự án của tập đoàn có tiến độ giải ngân nhanh, hoạt động hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, tạo việc làm, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam, có nhiều hoạt động an sinh xã hội ý nghĩa, quan tâm chăm lo đời sống công nhân…
Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng, có nước rơi vào suy thoái; thương mại và đầu tư quốc tế giảm; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ gia tăng; FDI toàn cầu tiếp tục dịch chuyển, Việt Nam mong muốn tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư chất lượng cao của Hàn Quốc, nhất là các doanh nghiệp hàng đầu như Samsung, trong các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử…
Phía Việt Nam mong muốn Samsung tiếp tục coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất chiến lược, nghiên cứu-phát triển và sản xuất các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế, hoạt động bền vững, lâu dài tại Việt Nam, kinh doanh đúng luật pháp; góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam; góp phần nâng cao năng lực quản trị theo hướng hiện đại cho phía Việt Nam và tỉnh Bắc Ninh; góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đầu tư mạnh hơn nữa vào các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động ngày càng tốt hơn, nhất là với lao động nữ; quan tâm đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo người Việt tại Samsung.
Thủ tướng cũng cho biết phía Việt Nam đang rất quyết liệt chỉ đạo về vấn đề nhà ở cho công nhân, người có thu nhập trung bình, trong đó có việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, đề nghị Samsung tích cực tham gia triển khai gói tín dụng này.
Phía Việt Nam cũng mong muốn Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hòa Lạc sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung tại Hà Nội, hai bên phối hợp chặt chẽ để phát triển.
Làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến các đề xuất, kiến nghị của Samsung, Thủ tướng nhắc lại câu ca dao Việt Nam “Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.
Thủ tướng đề nghị hai bên cùng nỗ lực, cố gắng, chủ động, sáng tạo để giải quyết các khó khăn, thách thức; nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để tập đoàn đầu tư kinh doanh hiệu quả, ổn định, lâu dài, tiếp tục mở rộng và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Theo các báo cáo tại cuộc làm việc, các dự án lớn của Samsung tập trung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TPHCM. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 19,8 tỷ USD, tỉ lệ giải ngân đạt 102%.
Tổng nhân lực của Samsung tại Việt Nam khoảng 100.000 người. Trong đó, khối sản xuất chiếm 74%, kỹ sư chiếm 17%, khối văn phòng chiếm 7%, người lao động nước ngoài chỉ có 261 người.
Trong năm 2022, tổng doanh thu của các dự án tại Việt Nam đạt khoảng 74 tỷ USD, xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, đóng góp 17,5% giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hiện hơn 50% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam và được xuất khẩu đi 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hằng năm, Samsung đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng. Đến nay, đã có 51 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung.
Samsung cũng đã đầu tư thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) lớn nhất khu vực Đông Nam Á có tổng vốn đầu tư 220 triệu USD tại Hà Nội (đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2022).
Samsung cũng là doanh nghiệp đi đầu trong các hoạt động an sinh xã hội tại Việt Nam như ủng hộ 75,5 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật) trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại cả Trung ương và địa phương; xây dựng 05 Ngôi trường Hy vọng Samsung tại một số địa phương; trao tặng xe lăn cho người khuyết tật, học bổng cho học sinh nghèo, hệ thống lọc nước cho trường mầm non, thư viện thông minh và sữa học đường cho một số trường học… cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
Với Bắc Ninh, hoạt động đầu tư của Samsung (từ năm 2008) đã giúp tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho tỉnh.
Tổng thu nội địa của Bắc Ninh năm 2021 là 25.458 tỷ đồng, gấp 12,8 lần năm 2008. Giai đoạn 2008-2021, tổng thu từ thuế, phí của tỉnh Bắc Ninh là gần 136.500 tỷ đồng, trong đó thu từ Tập đoàn Samsung là xấp xỉ 35.000 tỷ đồng, chiếm 25% số thu toàn tỉnh.
Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, gấp 1.000 lần từ khi tái lập tỉnh và đứng đầu cả nước, kết quả này có sự đóng góp quan trọng của Samsung và các doanh nghiệp vệ tinh.
Hà Văn