>> Toàn văn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam mong muốn các nước sẽ đạt được sự đồng thuận trong việc đưa ra các thoả thuận quốc tế mới về ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh Chinhphu.vn |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp cấp cao từ 16-18/12 và phát biểu nêu rõ quan điểm của nước ta về ứng phó với biến đối khí hậu.
Hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại diện các nước phát biểu được truyền hình trực tiếp trên các màn ảnh rộng được bố trí trong trung tâm báo chí và khu vực tác nghiệp của phóng viên các nước đến dự, đưa tin về Hội nghị.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự đánh giá cao đối với Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch về những đóng góp thúc đẩy hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chuẩn bị cho Hội nghị.
An ninh lương thực thế giới bị đe dọa
Trước đại diện của 192 nước tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu vấn đề, Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nhưng không phải là nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Việt Nam có bờ biển dài, nhiều khu kinh tế và dân cư tập trung ở vùng ven biển, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long không chỉ cung cấp lương thực cho 86 triệu dân Việt Nam mà còn góp phần nuôi sống hàng trăm triệu người trên Trái đất vì nơi đây sản xuất khoảng 1/5 tổng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới.
Nếu nước biển dâng từ 0,75 mét đến 1 mét thì các đồng bằng và vùng ven biển của Việt Nam sẽ ngập từ 19% đến 38%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến đời sống, xã hội và an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới.
“Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác, giúp đỡ mà cộng đồng quốc tế, nhất là của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế đã dành cho Việt Nam và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ để Việt Nam ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cũng là góp phần bảo đảm an ninh lương thực của thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Ảnh Chinhphu.vn |
Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ ngôi nhà chung
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên các quan điểm chính Việt Nam mang tới Hội nghị này. Đó là Việt Nam mong muốn các nước sẽ đạt được sự đồng thuận trong việc đưa ra các thoả thuận quốc tế mới về ứng phó với biến đổi khí hậu với 5 nội dung quan trọng. Trong đó Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu và nội dung của Nghị định thư Kyoto với việc bổ sung, sửa đổi những quy định mới đối với những nước có lượng phát thải lớn tiếp tục là các cơ sở pháp lý cơ bản để cộng đồng quốc tế hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các nước phát triển phải đi tiên phong đưa ra các cam kết mạnh mẽ và mục tiêu cụ thể giảm phát thải khí nhà kính trong trung hạn, dài hạn mang tính chất nghĩa vụ nhằm giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2°C vào cuối Thế kỷ này.
Bên cạnh đó, các nước phát triển và các nước có lượng phát thải cao khí nhà kính phải có trách nhiệm hỗ trợ cho những nước đang phát triển, hỗ trợ đặc biệt cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thông qua các cơ chế mới về tài chính, chuyển giao công nghệ, sử dụng Quỹ Thích ứng và giúp đỡ các nước này tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các nước đang phát triển cần tích cực đóng góp vào nỗ lực toàn cầu thông qua xây dựng và thực hiện các chương trình hành động giảm thiểu khí nhà kính phù hợp với điều kiện của từng quốc gia (NAMAs) trên cơ sở tự nguyện, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Cộng đồng quốc tế cần có một tổ chức chung để điều phối việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
“Trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại, vì vậy việc ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mọi quốc gia, mọi người. Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao các sáng kiến quan trọng nhằm bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất”, Thủ tướng nói.
Hơn một tuần qua, cả thế giới đã hướng sự chú ý về Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, đây được coi là thành phố “xanh nhất” châu Âu, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về chống biến đổi khí hậu. Cơ quan Khí tượng của LHQ đã nêu bật tình trạng khẩn cấp hiện nay với các số liệu cho thấy thập kỷ này là nóng nhất, kể từ khi số liệu được ghi lại từ năm 1850, trong đó năm 2009 là năm nóng thứ 5 từ trước đến nay. Theo các nhà khoa học, nếu nhiệt độ tăng thêm 2 độ C, băng ở hai cực của Trái đất sẽ tan chảy làm mực nước biển dâng cao thêm trên 1 m. Khi đó, 1/12 diện tích trái đất sẽ bị ngập lụt, hơn 1 tỷ người trong số 9 tỷ người sống trên trái đất sẽ trở thành dân tỵ nạn khí hậu và những hậu quả của nó đối với nhân loại là vô cùng lớn. Để giữ nhiệt độ của Trái đất chỉ tăng ở mức dưới 2°C từ nay tới năm 2050 so với nhiệt độ ghi được vào giai đoạn đầu công nghiệp hóa, thế giới sẽ phải giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, so với con số ghi nhận năm 1990. Điều này có nghĩa là cần phải giảm lượng khí thải ở mức 2 tấn/người/năm từ nay cho đến năm 2050, thời điểm mà dân số thế giới sẽ lên đến 9 tỷ người |
Văn Hiến
Ảnh Nhật Bắc
(từ Copenhagen)