In bài viết

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Khánh Hòa cần tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững

(Cổng TTĐT Chính phủ) – Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung, ngày 22/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác Chính phủ đã trực tiếp thị sát Khu kinh tế Vân Phong, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Khánh Hòa. Thủ tướng cho rằng: Với quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, Khánh Hòa sẽ trở thành trung tâm kinh tế - du lịch của cả trong và ngoài nước.

22/07/2008 18:12

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên công trường xây dựng Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong

Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong

 Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa tập trung hoàn tất quy hoạch và đầu tư phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm là thành phố Nha Trang, Khu kinh tế Vân Phong và Vùng kinh tế trọng điểm Cam Ranh-Cam Lâm, tạo động lực lớn thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển và trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của khu vực cả nước.

Ưu tiên phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và bảo vệ môi trường

Trực tiếp thị sát Khu kinh tế Vân Phong, cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong thu hút đầu tư hơn 70 dự án vào Khu kinh tế này với tổng vốn đầu tư hơn 23 tỷ USD, trong đó có 20 dự án đã đi vào hoạt động và một số dự án lớn đã khởi công xây dựng như: Hồ chứa nước Tiên Du, Trạm phân phối xi măng Ninh Thủy, Kho xăng dầu ngoại quan Mỹ Giang…

Thủ tướng lưu ý: Tỉnh Khánh Hòa cần tập trung cập nhật và hoàn chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong và các vùng kinh tế trọng điểm khác để thu hút các dự án đầu tư lớn, nhất là các dự án phát triển du lịch, công nghiệp có giá trị gia tăng cao nhằm tạo động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Thủ tướng lưu ý lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư cả trong và ngoài nước, nhất là những án ứng dụng công nghệ cao, đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ yếu tố đảm bảo môi trường, gắn liền với tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, đô thị, khu dân cư…đáp ứng yêu cầu phát triển  nhanh và bền vững. “Những công việc ưu tiên của tỉnh là phát triển cảng hàng hải, hàng không quốc tế và bảo vệ môi trường”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng tin tưởng, khi đưa cảng Vân Phong vào hoạt động, Khánh Hòa sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Khánh Hòa  - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Xây dựng sân bay quốc tế Cam Ranh

Trong buổi làm việc chiều 22/7 với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng đã cho ý kiến giải quyết một số kiến nghị của tỉnh Khánh Hòa, trong đó có kiến nghị điều chỉnh quy hoạch chung toàn bộ Khu kinh tế Vân Phong, chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Petrolimex, Nhà máy nhiệt điện Sumitomo, Nhà máy thép liên hợp POSCO tại Khu kinh tế này; đầu tư sân bay Cam Ranh trở thành sân bay quốc tế trước năm 2010, hỗ trợ đầu tư xây dựng tuyến đường Diên Khánh - Khánh Vĩnh nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hôi của Khu vực nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10,62%, là 1 trong 5 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước (hơn 1.000 USD/người/năm), cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đều tăng trưởng khá. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng trên 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục tập trung tháo gỡ cụ thể nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công-nông nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tiếp cận nguồn vốn vay; tập trung rà soát, đình hoãn các dự án chưa thật cần thiết gắn với thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn cho các công trình cấp bách; tăng cường công tác kiểm soát giá cả, quản lý thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất, gắn với xử phạt nghiêm tình trạng đầu cơ, tăng giá; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp, nhất là quan tâm hỗ trợ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa và bà con ngư dân...

Thủ tướng chỉ đạo tập trung quy hoạch, nâng cấp sân bay Cam Ranh trở thành sân bay quốc tế vào năm 2010.

3 vùng kinh tế trọng điểm của Khánh Hòa

Vùng trọng điểm 1- thành phố Nha Trang được xây dựng thành một trong những trung tâm hành chính, du lịch - dịch vụ, thương mại, văn hóa, giáo dục, đào tạo nghiên cứu khoa học khu vực miền Trung.

Vùng trọng điểm 2 - Khu kinh tế Vân Phong: Nằm ở cực Đông của Việt Nam, cách hải phận quốc tế 14km, gần các tuyến hàng hải quốc tế (cách 130km) và nằm  trên ngã ba đường hàng hải quốc tế tuyến châu Âu-Bắc Á, châu Úc-Đông Bắc Á và tuyến Manila-Panama hoặc San Francisco(Mỹ) hoặc Victoria (Canada). Vân Phong là vịnh lớn với 41.000 ha mặt nước, có độ sâu từ 10-40m, kín gió và không bị bồi lấp. Đến nay, Khu kinh tế Vân Phong thu hút được 73 dự án đầu tư ( trong đó có 23 dự án đầu tư nước ngoài, 50 dự án đầu tư trong nước) với tổng số vốn 23,3 tỷ USD.

Vùng kinh tế trọng điểm 3 - Cam Ranh - Cam Lâm: Vịnh Cam Ranh rộng khoảng 100 km2,  chỗ sâu nhất đạt 24-26m, kín gió, không bị bồi lấp rất thuận lợi cho phát triển cảng, ngành công nghiệp đóng tàu, du lịch, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác. Cảng Ba Ngòi hiện có thể đón tàu trên 3 vạn tấn, và sắp tới sẽ được nâng cấp thành cảng quan trọng của Việt Nam. Đã có 32 nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào khu vực này với số vốn 18.900 tỷ đồng.

 Việt Đông