Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Bí thư các tỉnh, thành ủy; Chủ tịch UBND 14 tỉnh, thành phố Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và một số tỉnh, thành phố lân cận; đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đối tác phát triển, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với chủ đề "Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững", đây là hội nghị "3 trong 1" với 3 nội dung chính: Triển lãm thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và giới thiệu nông sản đặc trưng của Vùng; công bố, triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị; xúc tiến đầu tư Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Tại Hội nghị, các báo cáo và ý kiến tham luận nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết của Nghị quyết 26-NQ/TW, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của vùng; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi để triển khai Nghị quyết 26 và Chương trình hành động của Chính phủ, từ đó khơi thông nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn nhằm đạt được các mục tiêu.
Các đại biểu khẳng định Chương trình hành động của Chính phủ cụ thể hóa Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Vùng.
Các đại biểu tập trung phân tích các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông, logistics, kinh tế biển, các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân, nông nghiệp ứng dụng khoa học-công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ gắn với biển, di tích văn hóa, lịch sử của Vùng, huy động nguồn lực, chuyển đổi số…
Cùng với đó là các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy các đột phá phát triển của các địa phương trong vùng như: Phát triển khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), đẩy mạnh hành lang kinh tế Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; phát triển du lịch Quảng Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang tầm khu vực và quốc tế; xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung; phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế; phát triển Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng; phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam)…
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và Văn phòng Chính phủ tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện thêm chương trình, kế hoạch và nâng cao hiệu quả, tính khả thi trong việc xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách phát triển vùng, các địa phương trong Vùng.
Thống nhất với các báo cáo và ý kiến phát biểu, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng so với các vùng trong cả nước và một số lĩnh vực có thể so với khu vực và thế giới, như các di sản được UNESCO công nhận.
Với diện tích tự nhiên 95.860 km2 (chiếm 28,9% diện tích cả nước), Vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, đối ngoại và quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế; các tỉnh đều có "rừng vàng, biển bạc"…
Vùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển với gần 2.000 km bờ biển (chiếm 60% bờ biển cả nước), có 11 khu kinh tế ven biển (chiếm 61,1% của cả nước); cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây với tuyến đường hàng hải quốc tế.
Hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ loại hình (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không); có nhiều cảng biển lớn; 9 cảng hàng không (5 cảng quốc tế), điều kiện thuận lợi phát triển các loại dịch vụ, là điểm trung chuyển hàng hóa cho Tây Nguyên, Lào, Campuchia…
Tài nguyên, khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn (100% trữ lượng cromit, 20% trữ lượng sắt, 44% trữ lượng đá vôi, titan, thiếc…); tiềm năng lớn về năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời)…
Tài nguyên độc đáo, hấp dẫn cho phát triển nhiều loại hình du lịch với phố cổ Hội An, Cố đô Huế, đền tháp Mỹ Sơn, hang động Phong Nha - Kẻ Bàng; các bãi biển Sơn Trà, Mỹ Khê, Non Nước, Cửa Đại, Nha Trang, biển Mũi Né…; các đảo Hòn Mun, Hòn Tre, Lý Sơn, Phú Quý…; hệ sinh thái đa dạng.
Vùng có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc, truyền thống yêu nước và cách mạng hào hùng; có 5 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và 6 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 35 di tích quốc gia đặc biệt; 49 bảo vật quốc gia; 691 di tích quốc gia; 175 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vùng có nguồn lực to lớn về con người với dân số khoảng 20,34 triệu người (chiếm 20,8% dân số cả nước), khoảng 50 dân tộc. Người dân thân thiện, hiền hòa, cần cù, năng động, sáng tạo, chịu thương, chịu khó, giàu ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên; có nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, chính trị nổi tiếng, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Phân tích về hiện trạng phát triển vùng, các đại biểu cho rằng các cấp, các ngành, các địa phương đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng. Đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 9 nghị quyết về cơ chế đặc thù cho các địa phương, trong đó có tới 5 nghị quyết cho các địa phương trong Vùng, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.
Vùng đạt tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, giai đoạn 2005-2020 bình quân đạt 7,3%/năm so với cả nước là 6,36%. Quy mô kinh tế năm 2020 gấp 9,1 lần so với năm 2004, chiếm 14,5% GDP cả nước (xếp thứ 3/6 vùng); GRDP bình quân đầu người đạt 56,9 triệu đồng/người/năm (gấp 7 lần so năm 2005).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tương đối nhanh theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ (năm 2020 lần lượt là 31,82% và 40,81%); du lịch dần trở thành ngành mũi nhọn (giai đoạn 2005-2019 tăng 16%). Đã hình thành, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng như: Hóa dầu (2 nhà máy hóa dầu), thép, ô tô, cơ khí… thúc đẩy tăng trưởng Vùng.
Thu ngân sách tăng khá (năm 2021 chiếm 13,5% tổng thu ngân sách Nhà nước), một số địa phương đã cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương (4/14 địa phương).
Kết cấu hạ tầng giao thông khá đồng bộ (hệ thống quốc lộ với 57 tuyến, dài 8.366 km); phát triển đô thị đạt kết quả tích cực (năm 2021 tỉ lệ đô thị đạt 37,5%, xếp 3/6 vùng kinh tế - xã hội).
Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh (từ 12,9% năm 2016 xuống 2,93% năm 2021); đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, bảo vệ vững chắc biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh.
Theo Thủ tướng, những thành tựu trong thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW năm 2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW năm 2022 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 39 đã khẳng định chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức khi vùng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội, quy mô kinh tế còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ băn khoăn, trăn trở về cả 3 đột phá chiến lược của vùng. Theo đó, hạ tầng kết nối, gồm cả hạ tầng cứng và mềm, cả liên kết nội vùng, liên vùng và với cả nước, với thế giới; kết nối về thể chế, ý tưởng, đổi mới sáng tạo… nhất là kết nối hạ tầng giao thông; việc phát triển hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội… còn hạn chế. Đồng thời, Thủ tướng đặt vấn đề khai thác, phát huy tối đa nguồn lực con người như thế nào. Cùng với đó là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Nhấn mạnh quyết tâm biến vùng đất này thành vùng đất giàu có, giàu bản sắc văn hóa và nhiều đột phá hơn nữa, Thủ tướng nêu rõ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo.
Theo đó, phải quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng theo tinh thần các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Trong đó, quán triệt và thực hiện nghiêm túc 5 quan điểm phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ theo Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị. "Phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển Vùng và phát triển chung của cả nước: Cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước" như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Triển khai Nghị quyết 26, với cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, tổng thể, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
Cùng với đó, phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận phù hợp để giải quyết các nút thắt, các vấn đề đặt ra đúng, trúng, hiệu quả như kết nối giao thông, phát triển các hạ tầng khác và thu hút nguồn lực. Triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu chắc đến đó, việc nào dứt việc đó.
Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, "đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình"; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo gắn với nguồn lực con người, truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa, ý chí quật cường.
Huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực phát triển (gồm vốn Nhà nước, vốn xã hội, vốn vay; trong đó nguồn lực Nhà nước gồm vốn đầu tư công, vốn chương trình phục hồi và phát triển, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi), đẩy mạnh hợp tác công tư trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; huy động nguồn lực nhiều chiều, nhiều hướng, từ các nguồn phân tán, nhưng phân bổ và sử dụng nguồn lực phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển; mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp phải tích cực hưởng ứng, tham gia, thực hiện chính sách.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng trước hết yêu cầu các bộ, ngành và 14 địa phương trong Vùng khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ.
Cùng với đó, tập trung hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng. Rà soát, hoàn thiện quy định pháp lý, cơ chế, chính sách liên kết vùng đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, tinh thần là giao các đồng chí lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo cơ quan điều phối các vùng.
Làm tốt công tác quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững. Xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế.
Hình thành các cụm liên kết ngành liên tỉnh, liên vùng gắn với các trung tâm kinh tế biển mạnh. Tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng trọng yếu (giao thông, năng lượng, công nghệ số, đô thị, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, dịch vụ…).
Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu). Cơ cấu lại ngành công nghiệp, quy hoạch hợp lý để phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, Hành lang Kinh tế Đông - Tây, các tuyến quốc lộ kết nối với Tây Nguyên. Trọng tâm là phát triển công nghiệp hàm lượng công nghệ cao, các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo đột phá hình thành năng lực sản xuất mới.
Đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp, liên kết, giá trị gia tăng, sinh thái, đặc hữu; thích ứng hiệu quả với thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu; gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch. Phát triển ngành lâm nghiệp hiện đại, hiệu quả cao, gắn với phát triển, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển thủy sản thành ngành sản xuất chiến lược, hiện đại, bền vững, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển; hình thành các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Thúc đẩy phát triển dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, dịch vụ mới; hình thành các trung tâm logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu. Phát triển các trung tâm du lịch tầm vóc khu vực và quốc tế, chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng của Vùng.
Thứ tư, phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông. Phát triển hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành ba tiểu vùng đô thị hóa với các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân, gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại, dịch vụ.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với cảng biển, đường sắt kết nối với Tây Nguyên, trong đó có tuyến Kon Tum - Gia Lai - Bình Định, Lâm Đồng - Ninh Thuận. Nâng cấp, nâng cao hiệu quả khai thác các cảng hàng không, cảng biển.
Thứ năm, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo, đất và rừng. Bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu phải được xem là một trọng tâm trong chiến lược phát triển Vùng.
Nâng cao năng lực phân tích, dự báo kịp thời, chính xác, bảo đảm hoạt động tham mưu, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong mọi tình huống. Tăng cường ý thức phòng, chống thiên tai, cảnh báo các nguy cơ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án ứng phó thiên tai.
Thứ sáu, phát triển toàn diện văn hóa - xã hội. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Tập trung phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững; rà soát lại, tập trung triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến, đặc biệt tuyến cơ sở. Tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng, là một khâu đột phá cho phát triển vùng. Phát huy tối đa nguồn lực con người; nâng cao năng suất lao động xã hội.
Phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ. Phát huy giá trị văn hóa, di sản; chú trọng quy hoạch, đầu tư các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa tiêu biểu của Vùng.
Cùng với đó, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 01 và Chỉ thị 03 của Thủ tướng, nhất là nhiệm vụ quy hoạch, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Đánh giá cao sự có mặt của nhiều nhà đầu tư, đối tác phát triển trong nước và quốc tế tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "hợp tác và phát triển" trong thu hút đầu tư. Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Việt Nam cam kết giữ vững ổn định chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô; tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế, nhất là về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; thúc đẩy các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh, cơ chế chính sách ổn định, có tính dự báo cao, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương quán triệt tinh thần luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, lắng nghe, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, không đùn đẩy, né tránh, coi công việc của doanh nghiệp như công việc của mình.
Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, Thủ tướng đề nghị tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần đối thoại, chia sẻ, hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành với Việt Nam nói chung và Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói riêng.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần "Đã nói là phải làm. Đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành những sản phẩm, công trình cụ thể, giá trị cụ thể, đo lường được, tạo động lực phát triển.
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chứng kiến lễ trao thoả thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác phát triển; trao giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư giữa các Bộ, tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với các đối tác, doanh nghiệp./.