Sáng 19/5, tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ phát động phong trào "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi"; cùng các đại biểu đăng ký hiến mô tạng.
Với mong muốn nhiều người đăng ký hiến mô tạng hơn, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức lễ phát động.
Tham dự sự kiện có Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện các tổ chức tôn giáo.
Theo Ban Tổ chức sự kiện, Việt Nam triển khai ghép tạng muộn hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á 20 năm và trong hai năm 2022 và 2023, mỗi năm đã ghép hơn 1.000 ca và trở thành nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, số lượng ca ghép tạng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người bệnh.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, hiện nay chỉ hơn 86.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086%. Tỉ lệ đăng ký hiến mô tạng sau khi chết tại Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chỉ số người chết não hiến mô tạng tại Việt Nam là 0,15 so với Tây Ban Nha là 49 - nước có chỉ số chết não hiến mô tạng cao nhất thế giới, nghĩa là 49 người chết não hiến mô tạng/1 triệu dân/năm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết trong những năm qua, chúng ta đã có những tiến bộ để tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết não. Tỉ lệ người chết não hiến mô tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với năm 2023.
"Chúng ta đã làm chủ được chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ và tổ chức điều phối thực hiện ghép tạng; tuy nhiên nếu không đủ nguồn mô, tạng của người hiến thì hàng chục nghìn người bệnh vẫn sẽ phải tiếp tục chờ đợi và hằng ngày, hằng giờ giành giật sự sống với bệnh tật hiểm nghèo. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 8-10 người khác, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết nhấn mạnh hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam, đã có hàng nghìn người được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp.
Bày tỏ rất vui mừng, xúc động tới dự "Lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người" tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - Bệnh viện tuyến Trung ương hàng đầu về phẫu thuật của cả nước, Thủ tướng cho rằng đây là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, đất nước ta, kết tinh hơn 4.000 năm văn hiến.
Sự kiện hôm nay càng đặc biệt hơn khi được tổ chức đúng vào ngày 19/5 - Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - người đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân và hòa bình, tiến bộ của nhân loại.
Theo Thủ tướng, đoàn kết, tương thân, tương ái, trọng tình nghĩa, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác là truyền thống quý báu của dân tộc ta, nhân dân ta, được các thế hệ người Việt Nam ta xây dựng, gìn giữ, vun đắp và phát huy từ ngàn đời nay - đó chính là những yếu tố làm nên vẻ đẹp của con người Việt Nam, làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
"Những câu ca dao, tục ngữ "Thương người như thể thương thân"; "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"… đã được trao truyền từ bao đời nay, thấm vào trái tim, tâm hồn, máu thịt mỗi người con đất Việt từ thuở ấu thơ, qua lời ru của bà, của mẹ, lời dạy dỗ, căn dặn của gia đình, cha mẹ, các thế hệ đi trước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã khẳng định: "Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái". Truyền thống quý báu đó của dân tộc ta đã ngày càng được phát huy, lan tỏa với biết bao hành động cao đẹp, gương người tốt, việc tốt, từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống hằng ngày", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng nhấn mạnh: Truyền thống quý báu đó được thể hiện rõ nét qua những câu chuyện ấm áp tình người, những tấm lòng thiện nguyện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đồng bào giữa thiên tai khắc nghiệt, khốn khổ, khó khăn chồng chất khó khăn khi gặp bão lũ, thiên tai, dịch bệnh.
Truyền thống quý báu đó được minh chứng sống động qua cuộc chiến chống Đại dịch COVID-19, với hình ảnh của hàng trăm nghìn y bác sĩ, chiến sĩ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân không quản hiểm nguy, xung phong nơi "tuyến đầu", "tâm dịch"; hình ảnh bà con trên khắp mọi miền Tổ quốc gửi lương thực, suất ăn, thiết bị phòng chống dịch về "điểm nóng"; hay những siêu thị "0 đồng", "ATM gạo" được dựng lên bằng những tấm lòng cao cả, nhân ái và trái tim cao đẹp.
Truyền thống quý báu đó được thể hiện qua hàng triệu người hiến máu tình nguyện hỗ trợ, cứu giúp đồng bào giành lại cuộc sống giữa ranh giới sinh tử mong manh.
Đặc biệt, truyền thống quý báu đó còn được minh chứng bằng nghĩa cử cao đẹp hiến mô, tạng cứu người với tinh thần "cho đi là còn mãi", "cứ cho đi là được nhận lại" của hàng nghìn người trên khắp mọi miền Tổ quốc trong những năm qua.
Theo Thủ tướng, ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nền y học thế giới từ thế kỷ XX. Chúng ta rất tự hào, mặc dù đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước và tỉ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với một số quốc gia phát triển, trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều.
Trong hơn 30 năm qua, lĩnh vực ghép tạng đã đạt được sự tiến bộ vượt bậc đó chính là nhờ 3 nhân tố chủ yếu: (i) Chủ trương, đường lối, chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước; (ii) Sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế; (iii) đặc biệt là sự hy sinh cao cả của những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.
Với quan điểm mang tính nguyên tắc xuyên suốt: Lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác y tế, đặc biệt là những lĩnh vực mới, sử dụng công nghệ hiện đại như hiến và ghép tạng.
Trong đó, một số quyết sách quan trọng gồm: Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Ghép thận Quốc gia (ngày 2/2/1991); Quốc hội ban hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (ngày 29/11/2006); Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2008/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (ngày 29/4/2008).
Ngày 10/11/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2002/QĐ-TTg về việc thành lập Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trực thuộc Bộ Y tế. Mới đây nhất, ngày 27/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 201/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch ngành y tế; trong đó nêu rõ "hình thành một số trung tâm ghép tạng tại một số địa phương".
Về những thành tựu, kết quả đã đạt được trong lĩnh vực ghép tạng của nước ta, Thủ tướng chỉ rõ, từ ca ghép tạng thành công đầu tiên cách đây 30 năm, Việt Nam ngày nay đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, liên tiếp thực hiện nhiều ca ghép đa tạng thời gian qua. Thành công này đang tăng dần qua hằng năm; trong 2 năm gần đây, các bệnh viện đã thực hiện thành công hơn 1.000 ca ghép tạng/năm.
Tính từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992 đến nay, cả nước ghi nhận có 8.607 ca ghép tạng được thực hiện; trong đó ghép thận 7.914 ca, ghép gan 593 ca, ghép tim 82 ca, ghép phổi 10 ca, ghép tụy 1 ca, còn lại 8 ca là ghép ruột, gép đa tạng khác.
Nếu như trước đây, chỉ có 5 bệnh viện Trung ương (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân Y 103, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy) thực hiện được kỹ thuật ghép tạng, thì đến nay Bộ Y tế đã cấp phép cho 26 bệnh viện thực hiện kỹ thuật này.
Trong tháng 4 vừa qua, gần 120 y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của các bệnh viện, với tinh thần hết sức khẩn trương, sự tập trung cao độ và phối hợp nhịp nhàng đã kịp thời lấy, vận chuyển và ghép tạng thành công cho 7 người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Trung ương Huế.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, đây là điểm sáng, là niềm tự hào, là minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc, thể hiện trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu, kinh nghiệm phong phú của các chuyên gia ghép tạng, của chuyên ngành ghép tạng Việt Nam nói riêng và của ngành y Việt Nam nói chung. Ngày 6/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đến thăm các bệnh nhân được ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ngày 15/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Thư khen tập thể y bác sĩ điều phối, ghép tạng và tri ân gia đình người hiến tạng.
Thủ tướng nhắc lại, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (11/2021), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh:"Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng".
Thủ tướng nhấn mạnh, những thành tựu quan trọng ghép tạng thời gian qua là minh chứng rõ nét của tình thương và lòng nhân ái - "Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ!". Để có được những thành tựu quan trọng đó, chúng ta không bao giờ quên những tấm lòng vàng, những nghĩa cử cao đẹp của những con người, những gia đình với tấm lòng hy sinh cao cả đã tình nguyện hiến mô, tạng - một phần vô giá của cơ thể mình, người thân của mình - để "Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng", "Cho đi là còn mãi", - mở ra cơ hội sống cho nhiều người khác.
"Chúng ta rất xúc động được biết, hiện nay Việt Nam đã có hàng nghìn người đã hiến mô, tạng và khoảng hơn 86.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Đây là minh chứng sống động cho sự nhận thức, tình thương và lòng nhân ái ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong xã hội về hiến tạng cứu người - một nghĩa cử cao đẹp.
Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn và tri ân những tấm lòng nhân ái, hành động cao đẹp của những người, những gia đình đã và sẽ hiến tạng. Đây thực sự là những tấm gương sáng về người tốt, việc thiện, nêu cao tinh thần "cho đi là còn mãi", vượt qua nỗi đau thương, mất mát, định kiến để gieo mầm sự sống, hạnh phúc cho nhiều gia đình, bệnh nhân khác", Thủ tướng phát biểu. Chúng ta cần nhân lên những ý tưởng cao đẹp, nhân đạo này, tạo thành phong trào, xu thế trên cả nước.
Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương và gửi lời chúc mừng tới lãnh đạo Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, các thầy thuốc Việt Nam, đặc biệt là những giáo sư, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế trong lĩnh vực ghép tạng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, không ngừng nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, nâng cao trình độ, luôn tận tụy, hết lòng cho sự nghiệp "chữa bệnh, cứu người", thắp lên hi vọng hồi sinh cho nhiều bệnh nhân và gia đình đang ngày đêm mong mỏi.
Đồng thời, Thủ tướng biểu dương những đơn vị, cán bộ, nhân viên y tế tư vấn, vận động hiến mô, tạng tại các bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Việt Đức - những người vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, mang trái tim kết nối trái tim, mang tình yêu thương kết nối tình yêu thương với tinh thần "vì sao tôi sống, vì đất nước cần một trái tim", vận động những người, những gia đình tin tưởng hiến tạng.
Bên cạnh những thành tựu rất đáng trân trọng, theo Thủ tướng, vẫn còn đó những lo toan, băn khoăn, trăn trở khi số lượng ca ghép tạng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của nhân dân.
Mặt khác, ở Việt Nam hiện nay, hơn 94% tạng ghép là từ nguồn hiến sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại đối với sức khỏe người hiến. Trong khi ở các nước phát triển, tỉ lệ hiến tạng từ nguồn hiến sống chỉ từ 10-50%; tỉ lệ này ở một số nước có nền văn hóa tương đồng như Việt Nam như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc là từ 20-60%, thấp hơn nhiều so với nước ta. Người chết não đăng ký hiến tạng còn rất thấp.
Việc huy động nguồn lực và các cơ chế, chính sách liên quan đến ghép tạng còn những hạn chế, bất cập. Đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ, nhân viên y tế trong lĩnh vực ghép tạng chưa nhiều; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa thực sự đầy đủ, đáp ứng yêu cầu. Công tác thông tin, tuyên truyền về hiến tạng, ghép tạng chưa được sâu rộng, đầy đủ trong các cơ sở y tế, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội.
Phát huy truyền thống "tương thân tương ái" tốt đẹp của dân tộc ta; với mong muốn nhận thức và tinh thần hiến tạng cứu người tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong xã hội, Thủ tướng kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, tuổi tác, vùng miền: Hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần "Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng - Gieo mầm sự sống", đó là tình yêu, nghĩa cử cao đẹp nhất vì "cho đi là còn mãi", một người có thể cứu nhiều người, phát huy sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Thủ tướng cũng kêu gọi mỗi người chúng ta hãy nâng cao ý thức tự chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, thường xuyên rèn luyện thân thể để phòng ngừa các loại bệnh tất, có sức khỏe tốt, để học tập tốt, lao động tốt, đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước vì sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là Bộ Y tế, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Vận động hiến mô tạng Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, những người có ảnh hưởng trong xã hội ủng hộ và tăng cường công tác truyền thông, lan toả ý nghĩa cao đẹp, vận động người dân đăng ký hiến mô, tạng với tinh thần "cho đi là còn mãi".
Bộ Y tế chủ động xây dựng kế hoạch, có chỉ tiêu cụ thể tăng số lượng người đăng ký hiến mô, tạng phù hợp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; cải tiến, hoàn thiện cách thức đăng ký hiến mô, tạng để mọi người dân đủ điều kiện có thể đăng ký thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng, kịp thời.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và có những giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả để thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực ghép tạng, hiến tạng, trong đó lưu ý 6 nội dung: (i) Xây dựng cơ chế, chính sách; (ii) Huy động các nguồn lực hợp pháp (cả từ ngân sách nhà nước, cơ sở y tế và xã hội, cộng đồng); (iii) Chính sách đối với đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế và những người, gia đình hiến tạng; (iv) Đào tạo đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ, nhân viên y tế; (v) Trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; (vi) Công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận và sự ủng hộ của toàn xã hội.
Đồng thời, Thủ tướng lưu ý, mọi hành vi thương mại hóa và mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua hoặc bán xác đều bị nghiêm cấm. Việc hiến tạng là hoàn toàn tự nguyện, mang tính nhân đạo và không nhằm mục đích thương mại. Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia phải điều phối tạng đúng luật pháp, minh bạch và công bằng, bác ái. Các cơ quan chức năng, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan cần quán triệt, thực hiện đúng quy định về ghép tạng, hiến tạng; không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi và làm sai quy định.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, phát huy những thành tựu quan trọng đạt được, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, với sự nhận thức sâu sắc, lòng nhân ái, sự sẻ chia của toàn xã hội, công tác ghép tạng và hệ thống hiến mô, tạng ở Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, ngày càng có nhiều người đăng ký hiến mô, tạng, mang lại niềm tin, hy vọng cho những người bệnh, tô thắm tình nghĩa đồng bào ruột thịt, truyền thống "con Lạc cháu Hồng", "nhiễu điều phủ lấy giá gương" của dân tộc.
"Chúng ta hãy cùng chung tay xây dựng xã hội nhân văn, giàu tình thương và lòng nhân ái, không để ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng phát biểu và cho biết, cá nhân ông cùng gia đình đăng ký hiến mô tạng để góp phần tạo phong trào, xu thế đăng ký hiến tạng trên cả nước.
Hà Văn