Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Đức, mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ gần gũi và tin cậy giữa hai nước trên mọi lĩnh vực. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chiều ngày 22/6/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiến hành điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Tại điện đàm, trong bầu không khí cởi mở, tình cảm, chân thành, xây dựng, hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng về những thành tựu hợp tác sâu rộng giữa hai nước trong hơn 45 năm qua kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Đức, mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ gần gũi và tin cậy giữa hai nước trên mọi lĩnh vực. Thủ tướng Angela Merkel cho rằng Việt Nam là đối tác quan trọng trong chính sách hướng tới khu vực của Đức, đề cao quan hệ hợp tác Việt Nam - Đức và nhấn mạnh hai nước đang đứng trước nhiều cơ hội và triển vọng to lớn, cần phát huy mạnh mẽ.
Nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt tốt đẹp giữa hai nước và trong bối cảnh kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức (2011 - 2021), hai bên nhất trí sớm nối lại trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và củng cố các cơ chế hợp tác, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam - Đức. Về kinh tế, hai bên vui mừng về những kết quả hợp tác khả quan giữa hai nước bất chấp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó Đức tiếp tục duy trì vị trí đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong EU với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt xấp xỉ 10 tỷ USD và Việt Nam là bạn hàng lớn nhất của Đức trong ASEAN; khẳng định cùng phối hợp chặt chẽ khai thác hiệu quả những cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Đức tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu nông thủy sản, đặc biệt là hoa quả mùa vụ của Việt Nam vào thị trường Đức, thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, đồng thời phía Đức sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Thủ tướng Angela Merkel khẳng định hiệp định EVFTA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa hai bên cả về kinh tế và chiến lược, nhấn mạnh các doanh nghiệp Đức đang có mối quan tâm rất lớn đối với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo...
Tại cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đức Angela Merkel, phía Đức đánh giá cao tinh thần đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau của hai nước trong đại dịch, khẳng định chủ trương tăng cường hợp tác với Việt Nam trong phòng chống COVID-19. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng thành công của Đức trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và đánh giá cao đóng góp của Đức với tư cách là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Sáng kiến COVAX, đề nghị Đức tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam sớm tiếp cận nguồn vaccine và hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine với các hãng dược phẩm của Đức; đồng thời cảm ơn chính quyền một số bang của Đức mới đây đã quyết định gửi tặng một triệu bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 cho Chính phủ Việt Nam. Thủ tướng Đức đánh giá cao kết quả phòng chống dịch của Việt Nam và hoan nghênh tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau của hai nước trong đại dịch, khẳng định chủ trương tăng cường hợp tác với Việt Nam trong phòng chống COVID-19. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án hợp tác phát triển trong các lĩnh vực ưu tiên, nhất là ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Chính phủ Đức có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho cộng đồng Việt Nam tại Đức sinh sống và làm ăn thuận lợi, đặc biệt là trong giai đoạn sau đại dịch. Hai bên cũng khuyến khích các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và hợp tác giữa các địa phương để thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Hai Thủ tướng đánh giá cao và khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau giữa Việt Nam và Đức ở các diễn đàn và tổ chức quốc tế, nhất là thúc đẩy quan hệ ASEAN - EU. Trao đổi về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, an ninh, hòa bình ở Biển Đông và thượng tôn pháp luật là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, nhất trí thúc đẩy các bên thực hiện đầy đủ, nghiêm túc DOC và đàm phán, xây dựng văn kiện COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.