Sau 33 năm thiết lập quan hệ (năm 1990) và 14 năm (năm 2009) thông qua Tầm nhìn chung, đây là lần đầu tiên ASEAN và GCC tổ chức Hội nghị Cấp cao.
Hội nghị cấp cao lần này là dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa ASEAN và GCC, đưa quan hệ giữa ASEAN và GCC lên tầm cao mới, vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển.
Theo chương trình, Hội nghị dự kiến sẽ thảo luận, kiểm điểm và định hướng tương lai hợp tác ASEAN-GCC, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, thông qua các văn kiện của Hội nghị như Khung hợp tác ASEAN-GCC (2024-2028) và thông qua Tuyên bố chung…
Trước đó, chiều 19/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm Trụ sở GCC, gặp Tổng Thư ký GCC Jassim Muhammad Al-Budaiwi và chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Thư ký GCC.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của GCC và khẳng định Việt Nam coi trọng việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác cùng có lợi với GCC và các nước thành viên. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối, thúc đẩy hợp tác ASEAN-GCC, hai khu vực phát triển năng động hàng đầu trên thế giới, vì hoà bình, ổn định và phát triển khu vực và trên thế giới.
GCC là tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông gồm 6 quốc gia thành viên ở khu vực Vùng Vịnh là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman. Tổng diện tích các quốc gia thành viên là 2,67 triệu km2, dân số 56 triệu người. GCC được thành lập tháng 5/1981, có trụ sở chính tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Về kinh tế, với lợi thế về trữ lượng dầu lửa và khí đốt (4/6 nước GCC là thành viên OPEC, trong đó Saudi Arabia và UAE có vai trò lãnh đạo trong tổ chức này), các nước GCC có nền kinh tế rất phát triển, với GDP đạt khoảng 2.000 tỷ USD năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, trung bình khoảng 38.447 USD/năm.
Hà Văn