In bài viết

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quảng Nam phải dùng nguồn vốn công để dẫn dắt, thu hút đầu tư tư nhân

(Chinhphu.vn) - Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu không trông chờ, ỷ lại nguồn vốn Trung ương, tỉnh phải tự tạo ra những cơ hội thuận lợi mới để thu hút nguồn lực từ bên ngoài, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư, phấn đấu mỗi 1 đồng vốn nhà nước bỏ ra phải thu hút thêm từ 4-5 đồng, thậm chí nhiều hơn từ xã hội để phát triển nhanh, bền vững, phát triển xanh.

27/03/2022 22:18

Tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Quảng Nam, chiều 27/3, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dùng nguồn vốn công để dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư nhân - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu trong năm 2022, Quảng Nam phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành nguồn lực cho công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng điểm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng và Đoàn công tác đã đi khảo sát tình hình một số nhà máy, công trình, dự án lớn trên địa bàn. Buổi làm việc nhằm nghe địa phương báo cáo, đề xuất, các bộ ngành góp ý để xây dựng cơ chế hiệu quả đưa Quảng Nam bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Tỉnh Quảng Nam kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc nạo vét luồng lạch, nâng cấp hệ thống cầu cảng, logistics để Cảng Chu Lai có thể đón được tàu container 50.000 tấn; xây dựng đường giao thông để tăng cường kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây; bổ sung quy hoạch khu công nghiệp; nạo vét sông Trường Giang (60km, chạy dọc theo bờ biển) để tạo động lực phát triển đô thị, du lịch, vận tải thủy kết hợp thoát lũ cho thành phố Tam Kỳ và các huyện Phú Ninh, Thăng Bình…

Tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất cấp có thẩm quyền cho ý kiến về việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản; sắp xếp lại rừng phòng hộ ven biển kết hợp phát triển kinh tế với phòng chống thiên tai; hình thành khu vực phức hợp giáo dục đại học quốc tế và giải quyết tồn tại kéo dài của dự án Làng Đại học Đà Nẵng…

Quảng Nam đã làm được điều nhiều địa phương mơ ước

Năm 2021, GRDP của Quảng Nam tăng 5,04%; thu ngân sách nhà nước đạt gần 23,78 nghìn tỷ đồng, tăng 123% so với dự toán. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp 13 trong cả nước. Quý I năm 2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh, kinh tế, xã hội diễn ra trong trạng thái bình thường mới và có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng thu ngân sách ước thực hiện 8,3 nghìn tỷ đồng, đạt 37% dự toán Trung ương giao, tăng 15% so với cùng kỳ...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quảng Nam phải dùng nguồn vốn công để dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư nhân - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, từ một tỉnh khó khăn sau khi chia tách, trong một thời gian ngắn, "tỉnh Quảng Nam đã đi sau về trước, làm được điều nhiều địa phương mơ ước", vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH vừa bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bộ trưởng góp ý với địa phương một số nội dung liên quan đến việc quản lý quỹ đất công nghiệp, thủ tục giải phóng mặt bằng… Ủng hộ dự án nạo vét sông Trường Giang, Bộ trưởng đề nghị tỉnh xây dựng đề án, trong đó đánh giá cụ thể các yếu tố tác động đến môi trường, tránh gây sạt lở…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, năm 2021, tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, vươn lên đứng thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về tăng trưởng GRDP, điều tiết ngân sách về Trung ương hơn 2.000 tỷ đồng…

Bộ trưởng Trần Văn Sơn đề nghị tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; quan tâm đến phát triển KT-XH của 6 huyện miền núi, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo khu vực đồng bào dân tộc thiểu số...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quảng Nam phải dùng nguồn vốn công để dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư nhân - Ảnh 4.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quảng Nam sẽ bứt phá mạnh mẽ khi được tháo gỡ các điểm nghẽn

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, với tiềm năng, lợi thế, truyền thống, ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Quảng Nam sẽ bứt phá mạnh mẽ khi được tháo gỡ những điểm nghẽn, nhất là về hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị Quảng Nam quan tâm phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, gìn giữ, phát huy giá trị các di sản thế giới. Đồng thời, quan tâm nhiều hơn nữa, tập trung phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa con người xứ Quảng. Bộ trưởng cũng bày tỏ đồng tình đối với đề xuất cho tỉnh áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý di sản Hội An, Mỹ Sơn.

Về ý tưởng xây dựng khu đô thị đại học không lợi nhuận có liên kết quốc tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng đây là ý tưởng rất đáng hoan nghênh, đề nghị tỉnh sớm xây dựng đề án với thuyết minh cụ thể để có giải pháp phù hợp.

Tất cả những gì tỉnh làm được thì nên giao

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, Quảng Nam vẫn là địa phương khó khăn về giao thông, nhất là ở các huyện miền núi. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đồng tình giao cho địa phương phối hợp với doanh nghiệp đầu tư nâng cấp luồng lạch, cảng biển để đón tàu lớn, cũng như việc nghiên cứu đầu tư thêm tuyến đường bộ mới kết nối với vùng Tây Nguyên,... "Tất cả những gì tỉnh làm được thì nên giao cho địa phương", ông Thọ nói.

Nhấn mạnh vai trò trụ cột của Quảng Nam trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đề nghị tỉnh đẩy mạnh liên kết vùng; đồng tình xây dựng trung tâm cơ khí tại Quảng Nam có tính đến liên kết với Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý địa phương về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; sắp xếp hệ thống y tế cấp huyện; nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên; lưu giữ nguồn gen dược liệu quý (nhất là sâm Ngọc Linh); phát triển dược liệu gắn với du lịch; triển khai các giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng chống dịch bệnh hiệu quả; đảm bảo an ninh y tế ứng phó dịch bệnh mới nổi…

Nhấn mạnh tỉnh Quảng Nam còn rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác hết, các Bộ trưởng đề nghị tỉnh tập trung thực hiện thật tốt nhiệm vụ xây dựng quy hoạch. Có thể mời chuyên gia nước ngoài tư vấn để có được một quy hoạch thực sự chất lượng. Làm tốt quy hoạch, tỉnh sẽ thu hút mạnh mẽ các nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dùng nguồn vốn công để dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư nhân - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi.

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, không để kéo dài

Sau khi nghe báo cáo của địa phương, 15 ý kiến của các bộ, ngành, phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các báo cáo, ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế, giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu, chắt lọc để xây dựng thông báo kết luận cuộc họp.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu tỉnh Quảng Nam đã đạt được trong 25 năm qua, từ một tỉnh nghèo đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thành tỉnh khá; phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19…

Quảng Nam là vùng đất "địa linh nhân kiệt", đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước qua các thời kỳ. Tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, có rừng, có núi, có biển; có 3 tuyến đường bộ lớn chạy dọc Bắc Nam, có đường sắt, đường hàng không, cảng biển tương đối thuận lợi; diện tích đứng thứ 6, dân số đứng thứ 18 cả nước. Quảng Nam có truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, phong phú, đa dạng, là tỉnh duy nhất có 3 di sản thế giới (với Hội An, Mỹ Sơn và nghệ thuật Bài chòi), truyền thống cách mạng kiên trung, anh dũng…

Tuy nhiên, sự phát triển của tỉnh Quảng Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Tiềm năng lớn nhưng cơ chế chính sách còn hạn hẹp. Hạ tầng chiến lược về giao thông dù thuận lợi nhưng khai thác, đầu tư chưa tương xứng; hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng chống biến đổi khí hậu còn hạn chế, bất cập. 

Bên cạnh đó, các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh vẫn cần phải cố gắng hơn. Đời sống đồng bào miền núi còn khó khăn, hộ nghèo còn nhiều. Chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quảng Nam phải dùng nguồn vốn công để dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư nhân - Ảnh 6.

Thủ tướng nhấn mạnh Quảng Nam phải phát huy tối đa những tiềm năng, cơ hội đã có, những kết quả đã đạt được, đồng thời tạo ra những cơ hội, động lực mới để thu hút nguồn lực từ bên ngoài - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phải tạo ra những cơ hội mới để phát triển bền vững

Về các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh, Quảng Nam phải phát huy tối đa những tiềm năng, cơ hội đã có, những kết quả đã đạt được, kế thừa thành quả của các thế hệ lãnh đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn, đồng thời phải tạo ra những cơ hội, động lực mới để thu hút nguồn lực từ bên ngoài, phục vụ triển nhanh, bền vững, phát triển xanh.

Quảng Nam cần tiếp tục phát huy tối đa tinh thần tự lực tự cường, nguồn lực nội sinh để phát triển. Mọi quyết sách phải luôn xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; luôn linh hoạt, nhạy bén với thực tiễn để tổ chức công việc hiệu quả.

Trong bối cảnh nguồn lực, thời gian có hạn, phải làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, lựa chọn những vấn đề, nội dung, dự án… có hiệu quả cao nhất, tác động lan tỏa để tập trung thực hiện. Đồng thời, phải khắc phục bằng được những hạn chế yếu kém đã chỉ ra với lộ trình cụ thể và bước đi quyết liệt, hiệu quả.

Tập trung hoàn thiện quy hoạch

Về những nhóm nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Nam bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xây dựng các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện phù hợp với thực tế địa phương. Tập trung cho chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững KTXH.

Tỉnh phải gìn giữ, phát huy tốt nhất truyền thống đoàn kết, truyền thống lịch sử hào hùng của đất Quảng, xác định "đoàn kết là nguồn lực" để xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng bộ máy hành chính hoạt động hiệu lực hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Trong năm 2022, Quảng Nam phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành nguồn lực cho công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng điểm, năm nay phải làm xong, nhất là quy hoạch tỉnh (phải hoàn thành trong quý III/2022), tiếp đó là quy hoạch cấp huyện, cấp xã; phải đóng góp vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành.

Tỉnh cần tiếp tục tập trung kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Trước hết, việc tiêm vaccine mũi 3 phải thực hiện xong trong quý I/2022, theo đúng tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa". Không để tình trạng Chính phủ quyết liệt nhưng ở dưới chậm chạp. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiêm vaccine cho các cháu từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm mũi 4 khi có khuyến cáo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quảng Nam phải dùng nguồn vốn công để dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư nhân - Ảnh 7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa tại sân bay Chu Lai, trước cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phấn đấu 1 đồng vốn nhà nước thu hút 4-5 đồng đầu tư từ xã hội

Về huy động nguồn lực, Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề rất quan trọng, tỉnh phải lấy nguồn lực nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt, huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển; không trông chờ, ỷ lại vào Trung ương. Phấn đấu mỗi  đồng vốn nhà nước bỏ ra sẽ thu hút thêm từ 4-5 đồng, thậm chí nhiều hơn từ xã hội để phát triển KTXH.

Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi.

Tỉnh phải tập trung vào công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; triển khai các giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu…

Quảng Nam cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ ngành, địa phương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và giải quyết các vấn đề đặt ra, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích người dân lên trên hết, trước hết.

Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp trong phát triển KTXH, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông; xử lý tốt mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động; giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội.

Làm tuyến đường mới kết nối Quảng Nam với Tây Nguyên

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến cụ thể vể 12 kiến nghị, đề xuất của tỉnh Quảng Nam liên quan đến bảo tồn di sản, hạ tầng giao thông, quy hoạch, phát triển công nghiệp… Cơ bản đồng ý với các đề xuất, Thủ tướng giao các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với địa phương để triển khai, xử lý theo thẩm quyền, việc gì vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét, xử lý;  không để vướng mắc kéo dài, địa phương kiến nghị hết lần này đến lần khác.

Về đề xuất liên quan đến Cảng hàng không Chu Lai, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải thành lập tổ công tác do một đồng chí Thứ trưởng làm Tổ trưởng để phối hợp với địa phương xử lý ngay những vướng mắc hiện nay.

Về tuyến giao thông kết nối với Tây Nguyên, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là làm mới, hợp tác công tư theo hướng Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu hướng tuyến, tỉnh giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp đầu tư phần xây lắp.

Trần Mạnh