In bài viết

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình

(Chinhphu.vn) - Chiều 18/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo.

18/11/2022 15:02
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo một số bộ, ngành.

Ninh Bình là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử "địa linh nhân kiệt", nơi "cửa ngõ ra Bắc, vào Nam", nơi có non cao, đất rộng, biển dài.  Nơi tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hoá giữa châu thổ sông Hồng với Bắc Trung Bộ, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng rừng núi Tây Bắc. Quy mô GRDP xếp thứ 44/63 (ước 9 tháng năm 2022), GRDP bình quân đầu người 26/63, xuất khẩu 24/63 (tính theo năm 2021), thu ngân sách 14/63 ( ước tính năm 2022).

Mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các thành viên đoàn công tác tập trung thảo luận, "có cảm xúc, ấn tượng, nhận xét gì về Ninh Bình - mảnh đất địa linh nhân kiệt".

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành góp ý cho Ninh Bình phát triển tốt hơn, đi đúng hướng, nhất là tận dụng được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Ninh Binh.

*Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục thông tin về cuộc làm việc của Thủ tướng.

Thủ tướng thăm một số dự án quan trọng của Ninh Bình

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên lãnh đạo, người lao động tham gia sản xuất tại Tổ hợp sản xuất, lắp ráp ô tô, dịch vụ logistics Huyndai Thành Công - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, động viên lãnh đạo, người lao động tham gia sản xuất tại Tổ hợp sản xuất, lắp ráp ô tô, dịch vụ logistics Huyndai Thành Công tại Khu công nghiệp Gián Khẩu; dự án xây dựng tuyến đường Đông-Tây tỉnh Ninh Bình.

Tổ hợp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất phụ trợ & dịch vụ logistics của Tập đoàn Thành Công có tổng mức đầu tư hơn 12.289 tỷ đồng, công suất sản xuất, lắp ráp 180.000 xe ô tô các loại/năm. 

Đến nay, tổng vốn thực hiện của dự án đạt hơn 9.600 tỷ đồng; đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 7/8 dự án, trong đó nhà máy Hyundai Thành Công số 2 vừa khánh thành ngày 15/11/2022 và đã chính thức đi vào sản xuất. 

Năm 2021, Tập đoàn Thành Công nộp ngân sách Nhà nước 15.883 tỷ đồng. Dự kiến năm 2022, tổng sản lượng khoảng 77.000 xe, nộp ngân sách nhà nước trên 15.000 tỷ đồng. Tổ hợp đang tạo công ăn việc làm cho gần 5.000 lao động, với mức lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình - Ảnh 3.

Thủ tướng cho biết, đã đề nghị các bộ, ngành chức năng thiết kế gói giải pháp hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp, nhất là liên quan thuế, phí, lệ phí - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau khi nghe lãnh đạo Tập đoàn báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh, mở rộng đầu tư, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ưu đãi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển công nghệ ô tô, phát triển chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất ô tô, Thủ tướng hoanh nghênh, biểu dương Tập đoàn Thành Công với 5 điểm sáng: Đóng thuế nghiêm túc (dự kiến 15.000 tỷ đồng trong năm nay); nâng cao tỷ lệ nội địa hoá; sản xuất dòng ô tô điện, góp phần bảo vệ môi trường; giải quyết việc làm cho hơn 30.000 người, tích cực làm tốt công tác an sinh xã hội; làm tốt công tác bảo vệ môi trường, quản lý tốt nguồn rác thải, nước thải.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó có phát triển công nghiệp ô tô, do đó Tập đoàn phát triển ngành ô tô theo hướng xanh, sạch, hiệu quả.

Tập đoàn cần tích cực nâng cao tỉ lệ nội địa hoá, liên doanh, liên kết, tạo phân khúc; luôn đổi mới công nghệ, mẫu mã, kiểu dáng; đa dạng hoá sản phẩm; đa dạng hoá các chuỗi cung ứng; tuân thủ quy luật thị trường, cạnh tranh lành mạnh; sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, chống tiêu cực; quan tâm bảo vệ môi trường của nhà máy, môi trường sống chung quanh, tích cực sản xuất sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường.

Thủ tướng cho biết, đã đề nghị các bộ, ngành chức năng thiết kế gói giải pháp hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp, nhất là liên quan thuế, phí, lệ phí. Các giải pháp kích thích tiêu dùng (một trong những động lực tăng trưởng) cũng được nghiên cứu, tính toán để góp phần tăng tổng cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình - Ảnh 5.

Thủ tướng lái thử xe do Hyundai Thành Công sản xuất và lắp ráp - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các chính sách phát triển công ngiệp ô tô phải gắn liền với thực hiện tốt các cam kết quốc tế.

Nhân dịp này, Thủ tướng đến thăm, kiểm tra dự án xây dựng tuyến đường Đông-Tây, tỉnh Ninh Bình.

Tuyến đường có vai trò động lực quan trọng, kết nối trực tiếp vào tuyến đường cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 tại nút giao Đồng Giao, thành phố Tam Điệp; kết nối vùng rừng núi huyện Nho Quan với vùng biển huyện Kim Sơn; mở ra không gian, dư địa và động lực phát triển cho khoảng gần 50.000 ha phía Nam của tỉnh.

Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 60 km; tổng mức đầu tư xây dựng toàn tuyến dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án xây dựng giai đoạn I của tuyến đường đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện có chiều dài 23 km.

Tỉnh Ninh Bình đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ để cơ bản hoàn thành, thông xe và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào cuối năm 2023, vượt tiến độ khoảng 1 năm so với dự kiến ban đầu.

Đức Tuân