Chào mừng đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Thực thi pháp luật Iran đến Việt Nam, Thủ tướng cho rằng chuyến thăm có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Iran (1973-2023); quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam-Iran trong hơn nửa thế kỷ qua phát triển nhiều mặt.
Đánh giá cao nỗ lực và những thành tựu mà Chính phủ và nhân dân Iran đạt được trong thời gian qua và chia sẻ về những khó khăn Iran đang đối mặt, Thủ tướng cho rằng Việt Nam và Iran tuy cách xa về địa lý nhưng có nhiều điểm tương đồng, có tính tự lực, tự cường, có chung khát vọng là xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Iran trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế, khoa học-kỹ thuật, du lịch, nông nghiệp, an ninh, quốc phòng; đóng góp cho hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thông tin về tình hình Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung triển khai 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cấu hạ tầng.
Cùng với đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; thực hiện nhất quán chính sách quốc phòng "4 không" và đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Với quan điểm "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", xuyên suốt quá trình đó, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Nhờ đó, Việt Nam đạt được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian tiếp đoàn và những tình cảm của Việt Nam đã dành cho Iran trong suốt những năm qua, Tư lệnh Bộ Thực thi pháp luật Iran Ahmad Reza Radan chuyển lời mời của Phó Tổng thống thứ Nhất Iran Mohammad Mokhber mời Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Iran, góp phần tăng cường quan hệ Việt Nam-Iran.
Chúc mừng về những thành tựu to lớn của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội và vị thế, vai trò của Việt Nam ngày càng cao trong khu vực và quốc tế, Tư lệnh Bộ Thực thi pháp luật Iran khẳng định Việt Nam luôn có vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của Iran.
Cho rằng Việt Nam và Iran còn nhiều dư địa hợp tác, Iran mong muốn và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng.
Thông tin tới Thủ tướng về kết quả hội đàm giữa Bộ Tư lệnh Thực thi pháp luật Iran và Bộ Công an Việt Nam, Tư lệnh Ahmad Reza Radan cho biết hai bên đã đã ký Bản ghi nhớ hợp tác.
Đánh giá cao kết quả hội đàm thành công giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Tư lệnh Thực thi pháp luật Iran, Thủ tướng tin tưởng hai bên sẽ triển khai tích cực, hiệu quả các kết quả đã đạt được, góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung thỏa thuận trong chuyến thăm Iran năm 2023 của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam; thúc đẩy sớm tổ chức kỳ họp thứ 10 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Iran trong năm 2024; tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là trao đổi đoàn cấp cao để tìm hiểu nhu cầu, tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Hai bên cần thúc đẩy, đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một nội dung quan trọng trong hợp tác giữa hai nước; khai thác các tiềm năng của hai bên, như: Xuất-nhập khẩu nông, thủy sản, ngành Halal...
Về hợp tác an ninh, Thủ tướng đề nghị tích cực trao đổi thông tin và thúc đẩy phối hợp nghiệp vụ; phối hợp xử lý các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm liên quan đến công dân hai nước; triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác cụ thể theo tinh thần các văn bản hợp tác vừa ký kết giữa Bộ Công an Việt Nam với Bộ Tư lệnh Thực thi pháp luật và Bộ Nội vụ Iran trong an ninh, trật tự và phòng, chống các loại tội phạm, nhất là phòng chống khủng bố, an ninh mạng.
Ngoài ra, hai bên cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, trong đó có nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa; thúc đẩy hợp tác du lịch; nghiên cứu khả năng hợp tác về lao động; tăng cường hợp tác, giao lưu nhân dân, hợp tác các địa phương hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tư lệnh Bộ Thực thi pháp luật Iran cũng thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; nhất trí tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế mà hai nước là thành viên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Phó Tổng thống thứ Nhất Iran Mohammad Mokhber đã mời Thủ tướng thăm chính thức Iran; cho biết giao cho các cơ quan thu xếp qua đường ngoại giao.
Hà Văn