Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành.
Tại cuộc gặp, các nhà khoa học đã chia sẻ đánh giá về những xu thế lớn đang và sẽ định hình thế giới trong 10-20 năm tới, nhất là trong mối tương quan với sự phát triển của các công nghệ mới mang tính đột phá; đưa ra các gợi ý, lời khuyên cho Việt Nam để phát triển vượt bậc khoa học-công nghệ, cách thức thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; các yêu cầu đặt ra trong xây dựng hệ sinh thái phục vụ đổi mới sáng tạo, kết nối hiệu quả giữa nghiên cứu và ứng dụng.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các chuyên gia, nhà khoa học; trân trọng cảm ơn các giáo sư, chuyên gia đã dành thời gian đến Việt Nam trao đổi, chia sẻ, thể hiện tình cảm, sự ủng hộ, đồng hành đối với Việt Nam, tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ, truyền động lực trong phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các ngành mới nổi.
Thủ tướng cũng đánh giá cao sáng kiến của Tập đoàn Vingroup thành lập Quỹ VinFuture và Giải thưởng VinFuture; qua 4 lần tổ chức, Giải thưởng VinFuture đã khẳng định được thương hiệu, giá trị, uy tín.
Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, việc Vingroup sáng lập giải thưởng này là một nỗ lực góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học Việt Nam và thế giới, đồng thời khẳng định khát vọng vươn lên, phát triển dựa trên khoa học công nghệ của Việt Nam, đặc biệt là các ngành mới nổi, trong đó có lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Dành thời gian chia sẻ với các đại biểu về lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, sau Thế chiến II, không có dân tộc nào chịu nhiều đau thương, mất mát như dân tộc Việt Nam. Trải qua nhiều đau thương, hy sinh, mất mát từ nhiều cuộc chiến tranh, sự chia cắt, bao vây, cấm vận của thế kỷ trước, Việt Nam hiểu hơn ai hết và rất trân trọng sự quý giá của hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thủ tướng cũng chia sẻ về các yếu tố nền tảng, quan điểm phát triển, mục tiêu, tầm nhìn chiến lược của Việt Nam, cùng 6 chính sách trọng tâm về đối ngoại; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế; xây dựng nền văn hóa; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu, tầm nhìn chiến lược đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Trong đó, Việt Nam xác định khoa học công nghệ cùng với giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, coi đây là động lực mới cho sự phát triển, động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là các ngành mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm.
Đặc biệt, Việt Nam cũng đặt mục tiêu bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong một số lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, dựa vào con người và trí tuệ Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam, cụ thể là góp ý đường hướng phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; về phát triển con người, đào tạo nhân lực, phát huy trí tuệ, truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam; về xây dựng hạ tầng khoa học công nghệ phù hợp, "đi tắt đón đầu" và không lãng phí; về huy động các nguồn lực, gồm nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài (nguồn vốn, công nghệ, quản trị…) là quan trọng và đột phá; về đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ; về xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực quản trị khoa học công nghệ để khuyến khích đổi mới sáng tạo, ai cũng được thụ hưởng thành quả của khoa học công nghệ và có động lực, cảm hứng để đóng góp cho khoa học công nghệ.
Thủ tướng cho rằng Giải thưởng VinFuture mang ý nghĩa lớn về thúc đẩy hợp tác về khoa học công nghệ, thúc đẩy sự cống hiến để mọi người đều được sống trong thế giới hoà bình, xanh, sạch, tiến bộ, công bằng, không có chiến tranh, được thụ hưởng thành quả của khoa học công nghệ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm "khoa học công nghệ không có biên giới" và "không chính trị hóa khoa học công nghệ", không biến khoa học công nghệ thành công cụ của chiến tranh mà phải biến khoa học công nghệ thành công cụ của hòa bình, hợp tác và phát triển.
Hà Văn