Hình thành 5 hành lang vận tải chủ yếu
Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, khối lượng vận tải hành khách đạt 450 - 500 triệu lượt hành khách/năm với tốc độ tăng trưởng bình quân 5,1%/năm, trong đó năng lực thông qua các cảng hàng không - sân bay trong vùng khoảng 11,8 triệu hành khách năm 2020. Vận tải hành khách công cộng tại thành phố Cần Thơ đạt tỷ lệ từ 10% - 15% nhu cầu đi lại và tại các thành phố khác trong vùng đạt tỷ lệ từ 5% - 10% nhu cầu đi lại.
Lượng hàng hóa đạt khoảng 100 - 110 triệu tấn/năm với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1%/năm, trong đó lượng hàng hóa thông qua các cảng biển đến năm 2020 khoảng 58,5 triệu tấn/năm.
Về quy hoạch phát triển vận tải, sẽ hình thành 5 hành lang vận tải chủ yếu gồm: 1- Hành lang Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau; 2- Hành lang Thành phố Hồ Chí Minh - Long Xuyên (An Giang) - Rạch Giá (Kiên Giang); 3- Hành lang Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Tiên (Kiên Giang); 4- Hành lang Cần Thơ - Long Xuyên - Châu Đốc (An Giang); 5- Hành lang Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.
Từng bước xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc
Về quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, sẽ đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ dài khoảng 32,3 km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc loại A, gồm 4 làn xe.
Bên cạnh đó, nghiên cứu từng bước xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc khác phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể mạng lưới đường bộ cao tốc được duyệt với khả năng nguồn vốn. Cụ thể gồm đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đoạn Ngọc Hồi - Chơn Thành - Rạch Giá), đường bộ cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường bộ cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Ngoài ra, sẽ đầu tư nâng cấp một số tuyến quốc lộ chính như Quốc lộ 61 (đoạn qua Vùng dài 44,3 km tại tỉnh Kiên Giang), Quốc lộ 63 (đoạn từ Châu Thành, Kiên Giang đến thành phố Cà Mau), Quốc lộ 80 (đoạn qua vùng từ thành phố Cần Thơ đến Hà Tiên, Kiên Giang), đường Hồ Chí Minh (đoạn qua vùng từ Vàm Cống, An Giang đến Đất Mũi, Cà Mau dài 301 km)...
Quyết định nêu rõ, tiếp tục phát triển giao thông nông thôn, phấn đấu đến năm 2015 đạt được 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, các xã cù lao chưa xây dựng được cầu đường bộ phải có bến phà; 100% đường huyện và tối thiểu 70% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa; đường huyện đạt tối thiểu cấp V đồng bằng, đường xã đạt tối thiểu cấp VI đồng bằng; xóa bỏ hết cầu khỉ.
Dự kiến quỹ đất dành cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm: đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, các nhà ga bến bãi... đến 2020 khoảng 696,64 km2, chiếm khoảng 4,21% diện tích vùng, tăng so với hiện tại khoảng 0,89%.
Chinhphu.vn