In bài viết

Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị hiến kế phát triển vùng đất Chín Rồng

(Chinhphu.vn) - Cần phải đưa ra được quyết sách mới có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp cho sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

20/09/2017 22:48

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Thu Cúc

Đây là yêu cầu Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra với Hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chiều 20/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp báo thông tin chính thức về Hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Hội nghị sẽ diễn ra ngày 26-27/9 tại Cần Thơ.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn do mô hình phát triển trước đây không còn phù hợp. Chính sách quy hoạch, phân vùng, quản lý thiếu gắn kết, đồng bộ do tác động của biến đổi khí hậu dần dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững, làm sinh kế của người dân trở nên bấp bênh. Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xem xét một cách toàn diện, có hệ thống, nhận diện đầy đủ những tiềm năng cũng như những thách thức đang đặt ra đối với ĐBSCL.

Trước những yêu cầu cấp bách đặt ra, tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với Chính phủ Hà Lan lựa chọn vùng ĐBSCL để xây dựng một hình mẫu chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, con người và văn hóa trên cơ sở kết hợp khoa học công nghệ cao với kế thừa tri thức bản địa, biến thách thức thành cơ hội. Thủ tướng Chính phủ hai nước đã ký bản Ý định thư về hợp tác thúc đẩy và triển khai các dự án chuyển đổi quy mô lớn nhằm mục tiêu phát triển bền vững cho vùng đồng bằng quan trọng này.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị nhằm tập hợp trí tuệ, phát huy sáng kiến xem xét một cách tổng thể, toàn diện, có hệ thống nhằm nhận diện đầy đủ các thách thức, định hướng được mô hình phát triển, huy động được sự tham gia chung tay của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tạo ra những đột phá trong tư duy, thống nhất hành động trong toàn xã hội để tìm ra mô hình phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL, chủ động trước những xu thế, diễn biến, biến đổi không thể đảo ngược về điều kiện tự nhiên.

Ảnh: VGP/Thu Cúc

Hội nghị sẽ thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu của các cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia và nhà khoa học. Trong 2 ngày 26-27/9, Hội nghị sẽ diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề bàn sâu về các vấn đề.

Phiên 1 sẽ bàn về tổng quan, thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì.

Phiên 2 sẽ thảo luận về quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL, huy động điều phối nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.

Phiên 3 sẽ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thảo luận về nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sát lở.

Ngày 27/9, phiên họp toàn thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thủ tướng Chính phủ đã có những yêu cầu rất cụ thể, đòi hỏi tính thực chất, khả thi. Cụ thể: Hội nghị phải đưa ra được quyết sách mới, có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên.

Bên cạnh đó, phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động, có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ổn định, phát triển.

Hội nghị cũng là cơ hội để đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ và quản lý trên cơ sở các nghiên cứu thực tiễn, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy vai trò của các chuyên gia, các nhà khoa học có kinh nghiệm trong nước và quốc tế thẩm định, thẩm tra, phát biểu phản biện về những giải pháp, trình bày tại Hội nghị. Qua đó, thu hút được tối đa các nguồn lực (vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn tín dụng, nguồn vốn tư nhân…) nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

Thu Cúc