Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Myanmar Thein Sein trong chuyến thăm chính thức Myanmar ngày 14/8/2007 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: Tư liệu Chinhphu.vn |
Tham gia đoàn chính thức có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Ngô Đức Thắng, Trợ lý Thủ tướng Nguyễn Khắc Định, lãnh đạo các Bộ: Công an, Ngoại giao, Quốc phòng, Công Thương, Văn hóa,Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị
Chuyến thăm làm việc tại Liên bang Myanmar lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra trong bối cảnh quan hệ truyền thống giữa hai nước đang phát triển tích cực.
Trong những năm qua, Việt Nam – Myanmar đã tích cực củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt. Hai bên duy trì thường xuyên trao đổi đoàn ở các cấp.
Hai bên đã tiến hành 5 cuộc họp tham khảo chính trị thường niên giữa hai Bộ Ngoại giao (vào tháng 8/2005 tại Yangon, tháng 8/2006 tại Hà Nội, tháng 12/2007 tai Nay Pyi Taw, tháng 8/2008 tại Hà Nội và tháng 7/2009 tại Nay Pyi Taw). Việt Nam luôn ủng hộ Myanmar hội nhập khu vực và quốc tế. Việt Nam là nơi mà Myanmar đã được kết nạp vào ASEAN và ASEM.
Ngoài các quan hệ hợp tác song phương, Việt Nam và Myanmar còn cùng tham gia quan hệ hợp tác trong ASEAN, một số tổ chức khu vực như Tiểu vùng Mekong (GMS); Chiến lược phát triển kinh tế 3 dòng sông (ACMECS); Hợp tác Việt Nam- Campuchia – Lào - Myanmar(CLMV).... Hai nước có quan điểm gần gũi, thường xuyên phối hợp và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Thời gian gần đây, quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước có bước tiến khích lệ. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2008 đạt 108,2 triệu USD (trong đó Việt Nam xuất 32,6 triệu USD và nhập 75,6 triệu USD).
Năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới suy thoái trầm trọng, kim ngạch thương mại hai nước chỉ đạt 99 triệu USD.
Hai nước đã tiến hành 6 kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Myanmar, mà lần gần đây nhất là tháng 6/2008, theo đó thỏa thuận tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, cây công nghiệp, thủy sản, ngân hàng – tài chính, hàng không, viễn thông, dầu khí, khoáng sản, sản xuất thiết bị điện, sản xuất lắp ráp ôtô, xây dựng, thương mại…
Hai bên cũng đã thành lập Ủy ban thương mại chung để thúc đẩy thương mại song phương, tổ chức Hội chợ thương mại hàng năm để giới thiệu sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Chuyến thăm Myanmar của Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Việt nam – Myanmar, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; thúc đẩy sự hợp tác, trao đổi giữa các doanh nghiệp hai nước.
Vì sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong
Ngay sau khi thăm làm việc tại Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ nhất tổ chức tại Hua Hin (Thái Lan).
Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ nhất với sự tham gia của 4 quốc gia ven sông ở hạ lưu vực sông Mekong là CHDCND Lào, Vương quốc Thái Lan, Vương quốc Campuchia, CHXHCN Việt Nam. Ngoài ra còn có đại diện cấp cao của Trung Quốc và Myanmar, các quốc gia, tổ chức tài trợ, tổ chức xã hội và cộng đồng trong khu vực.
Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kiểm điểm quá trình 15 năm hợp tác và đề ra định hướng lớn cho sự phát triển của Ủy hội sông Mekong trong giai đoạn tiếp theo về quản lý, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mekong.
Tại Hội nghị cấp cao lần thứ nhất này, các nhà lãnh đạo, dự định thông qua Tuyên bố Hua Hin của Ủy hội sông Mekong quốc tế “Đáp ứng các nhu cầu, duy trì sự cân bằng: Vì sự phát triển bền vững của Lưu vực sông Mekong”.
Nội dung Tuyên bố sẽ khẳng định các thành tựu to lớn của Ủy hội trong 15 năm qua, nêu bật các cơ hội và thách thức trước mắt; nhất trí về các mục tiêu tầm nhìn của Ủy hội trong 15 năm qua, nêu bật các cơ hội, thách thức trước mắt; nhất trí về các mục tiêu tầm nhìn của Ủy hội và xác định các lĩnh vực ưu tiên cho kế hoạch hành động cho giai đoạn sắp tới; khẳng định cam kết hợp tác trong thực hiện Hiệp định Mekong 1995, xây dựng một Ủy hội sông Mekong quốc tế hiệu quả cũng như trong tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược, đặc biệt với Trung Quốc và Myanmar.
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế dự định sẽ được tổ chức 4 năm/lần, luân phiên theo vần chữ cái, theo đó Hội nghị cấp cao tới sẽ được tổ chức vào năm 2014 tại Việt Nam./.
Minh Anh