Tại cuộc gặp, ông Jormsup Lochaya đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh với thị trường rộng lớn từ mạng lưới các hiệp định thương mại tự do, cũng như tiềm năng lớn của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời.
Chủ tịch Tập đoàn năng lượng Super Energy cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương của Việt Nam; khẳng định tầm nhìn và cam kết đầu tư dài hạn của Tập đoàn với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Ông Jormsup Lochaya báo cáo tình hình hoạt động, đề xuất các dự án đầu tư mới của Tập đoàn tại Việt Nam, giới thiệu về năng lực đầu tư trong các dự án lĩnh vực điện rác, khu công nghiệp chế biến thực phẩm, trong đó có ý tưởng phát triển khu công nghiệp chế biến thực phẩm tại ĐBSCL và kế hoạch đầu tư nhà máy hydrogen tại Bạc Liêu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả của Super Energy, đặc biệt đối với các dự án sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Hiện tại Việt Nam đang xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030 tầm nhìn 2045, trong đó, đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, năng lượng hydrogen… với giá thành phù hợp. Việt Nam cũng đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải, ứng phó biến đổi tại Hội nghị COP26 và tham gia thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển điện phải tính toán tổng thể 5 yếu tố: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện phù hợp với điều kiện của nền kinh tế, thu nhập của người dân.
Việt Nam mong muốn các đối tác tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, hỗ trợ về nguồn vốn, đào tạo nhân lực, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực quản trị, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý.
Thủ tướng hoan nghênh việc Tập đoàn Super Energy có nhu cầu đầu tư vào thị trường hydro tại Việt Nam, cũng như quan tâm đầu tư các dự án trong lĩnh vực điện sản xuất từ rác, khu công nghiệp chế biến thực phẩm. Các bộ, ngành, địa phương liên quan Việt Nam sẽ hỗ trợ tập đoàn trong việc tìm hiểu thông tin, nghiên cứu tính khả thi, tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng như hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật để triển khai các dự án cụ thể.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn chào đón, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Thái Lan kinh doanh và thành công tại Việt Nam trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp, "đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, mang lại hiệu quả cụ thể, đo lường được".
Tập đoàn Super Energy được thành lập tại Thái Lan năm 1994, đang đầu tư vào nhiều dự án năng lượng tại Thái Lan và một số quốc gia trong khu vực. Tại Việt Nam, Tập đoàn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, trong đó có 10 dự án đã vận hành thương mại (công suất 887MW), 4 dự án đang trong giai đoạn triển khai (công suất 421 MW).
Hà Văn