Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh lãnh đạo các tập đoàn, công ty đa quốc gia tham dự cuộc tọa đàm để trao đổi về các cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh với Việt Nam.
Chia sẻ với các công ty đa quốc gia Singapore về bức tranh tổng thể của kinh tế Việt Nam, Thủ tướng cho biết, quý I năm 2018, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khởi sắc, đạt cao nhất trong 10 năm qua. Việt Nam giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng cao, là thời điểm thuận lợi để các công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các công ty đa quốc gia tham dự cuộc tọa đàm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng cũng đề cập đến công bố cuối năm 2017 của Ngân hàng Thế giới (WB), môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp hạng 68/190 quốc gia, tăng 30 bậc so với 2012. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh Việt Nam đứng thứ 55/137 nước, là điểm sáng về thu hút FDI trong khu vực với khoảng 320 tỷ USD, quy mô thương mại trên 425 tỷ USD. Việt Nam là thành viên của 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đang thảo luận nhiều hiệp định thương mại quan trọng khác để tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Những kết quả này nói lên niềm tin của các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư đến với Việt Nam.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng cũng thông tin đến các nhà đầu tư về việc Việt Nam đang tích cực xây dựng 3 đặc khu hành chính kinh tế với rất nhiều ưu đãi đặc biệt và là cơ hội lớn để các nhà đầu tư trên thế giới xúc tiến, mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị các công ty đa quốc gia đẩy nhanh các dự án sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam với công nghệ hiện đại, tuân thủ pháp luật Việt Nam và quốc tế. Thủ tướng cũng cho biết sẽ giao các bộ, ngành, địa phương Việt Nam phối hợp tích cực để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các công ty tham gia vào tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các công ty đa quốc gia bày tỏ ấn tượng về thành tựu kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là những nỗ lực cải cách, đổi mới tham gia sâu rộng vào các cam kết quốc tế và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty đa quốc gia cho biết đang quan tâm và đầu tư vào các dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục trực tuyến, hỗ trợ người nông dân thanh toán số thông qua sử dụng thiết bị di động. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm tháo gỡ những khó khăn, nhất là những điểm nghẽn về chính sách còn tồn tại, cải cách thị trường vốn; tăng cường tính kết nối giữa các khu vực kinh tế; đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, triển khai hải quan một cửa...
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam đã giải đáp các kiến nghị, vấn đề mà các công ty đa quốc gia đặt ra và những vụ việc cụ thể; đồng thời khẳng định chính sách minh bạch, công khai của Chính phủ trong điều hành kinh tế và ứng xử với các doanh nghiệp, nhà đầu tư; trong đó có việc khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực gỡ bỏ những rào cản về chính sách đối với một số lĩnh vực mà trước nay Nhà nước độc quyền để trao cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài tham gia sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh ứng dụng các quy trình giải quyết thủ tục mới, nhanh gọn, thuận tiện, phù hợp với xu thế quốc tế trên các lĩnh vực thuế, hải quan.
Đức Tuân