Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đây là cơ quan thứ 31 Tổ công tác đến kiểm tra và là đơn vị thứ 6 được kiểm tra về việc thực hiện các giải pháp liên quan đến bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017.
Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết buổi kiểm tra nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao Tổng công ty và việc thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng sản lượng khai thác, vận chuyển hành khách, hàng hóa. Đồng thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để có hướng giải quyết hoặc biện pháp tháo gỡ, điều chỉnh.
Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ, với lịch sử 135 năm hình thành và phát triển, 2,8 vạn cán bộ công nhân viên, trên 3.000 km đường sắt đi qua 34 địa phương, trong thời gian qua, ngành đường sắt có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng công ty đã đạt nhiều thành tựu, như doanh thu trên 3.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ, tuy nhiên mới đạt 45,1% kế hoạch năm. Tổng công ty có nhiều giải pháp tổ chức sản xuất, đặc biệt đã áp dụng một số công nghệ mới.
Tính từ đầu năm 2016 tới ngày 10/8, Chính phủ, Thủ tướng đã giao Tổng công ty 57 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 56 nhiệm vụ, còn 1 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.
Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty báo cáo toàn bộ các giải pháp bảo đảm vấn đề tăng trưởng, thực hiện Chỉ thị 24 của Thủ tướng. Cụ thể là các giải pháp tăng sản lượng, doanh thu vận tải để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của khu vực dịch vụ năm 2017 là 7,19% và khách du lịch tăng trên 30%?
Đồng thời, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty báo cáo, làm rõ 6 vấn đề được cả nước quan tâm, với yêu cầu cần thực sự đổi mới, thay đổi căn bản ngành vận tải này.
Thứ nhất, về tình hình sản xuất kinh doanh và công tác quản trị. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2016 đạt hơn 6.500 tỷ đồng, tuy nhiên so với 2015 giảm 12%.
“Trong thời điểm hiện nay, có thể nói với hành khách, đường sắt kém hấp dẫn, kém cạnh tranh so với các ngành khác, từ chất lượng, an toàn, thị phần giảm dần qua các năm. Chúng ta có hạ tầng đầu tư từ Bắc tới Nam nhưng rất lâu đời, các vấn đề khổ đường sắt, chất lượng hạ tầng, toa xe… còn ít được quan tâm. Việc đầu tư kho bốc xếp, cảng bốc xếp, kết nối đường sắt với ga hàng không, đường biển, các khu công nghiệp… cũng ít được quan tâm”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty tính toán để nâng sức cạnh tranh. “Hay nói cách khác là có vẻ tư tưởng bao cấp vẫn còn đè nén trong thời kinh tế thị trường. Thủ tướng nhắc các anh suy nghĩ thêm”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng.
Thứ hai, Thủ tướng nhắc nhở vấn đề an toàn đường sắt, chất lượng lao động, ý thức trách nhiệm của người lao động. Đặc biệt người dân rất lo ngại tình hình tai nạn giao thông đường sắt, tuy có giảm so với năm 2016 nhưng các vụ việc xảy ra gần đầy liên quan đến an toàn tàu chạy, gây hư hỏng toa xe, kết cấu hạ tầng gây thiệt hại về người… Bộ trưởng nhắc tới các vụ việc cụ thể như tai nạn tại ga Yên Viên, Hà Nội và sự cố điều hành 2 đoàn tàu vào cùng một đường ở ga Suối Vận (Bình Thuận) tuy không gây thiệt hại lớn nhưng cho thấy ý thức, trách nhiệm của cán bộ, người lao động.
Vấn đề thứ ba là việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia khai thác, triển khai xã hội hóa các dịch vụ hạ tầng.
“Trước buổi làm việc, Chủ tịch Tổng công ty, anh Vũ Anh Minh có nói mấy vấn đề rất đáng mừng, đó là đang kêu gọi các nhà đầu tư vào các kho bãi, phương tiện bốc xếp, kết nối các khu công nghiệp, sân bay, cảng biển… Nếu làm được thì rất tốt. Các container vận chuyển qua đường sắt rẻ hơn nhiều so với đường bộ, nếu có đường kết nối từ đường sắt tới các khu công nghiệp, cảng biển thì nhiều nhà đầu tư sẵn sàng. Ngoài phần đầu tư của nhà nước, thì ngành cần hết sức chú ý cái này, nếu không thì không thể cạnh tranh”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ và nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công nghệ điều hành, hiện còn sử dụng thủ công quá nhiều.
Thứ tư, cần phải quan tâm đẩy mạnh khai thác hạ tầng hiện có. Trong điều kiện khó khăn về vốn đầu tư, cần có giải pháp duy trì an toàn, tập trung khai thác tối đa năng lực trên từng tuyến cụ thể.
Thứ năm, Thủ tướng nhắc nhở Tổng công ty về công tác tổ chức, quản lý và thực hiện các dự án nâng cấp cải tạo các đường ngang, nhất là việc phối hợp với địa phương xây dựng các đường gom.
Thứ sáu là vấn đề cổ phần hóa. Tổ công tác cho biết Tổng công ty đã làm khá sớm nhưng việc thoái vốn đến nay chưa đạt yêu cầu, mặc dù có thể do sự hấp dẫn, do thị trường nhưng phải đẩy mạnh thực hiện.
Cũng tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác lưu ý 2 nhiệm vụ liên quan tới Bộ Giao thông vận tải. Cụ thể, cần rà soát lại, báo cáo việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt từ 7.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Thứ hai, tại phiên họp Chính phủ tháng 3 vừa qua, từ kiến nghị của Tổ công tác, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát các đường ngang, lối đi dân sinh để kịp thời xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn, tổ chức cánh báo, cảnh giới kịp thời, Bộ cần báo cáo lại kết quả.
“Trong quá trình làm việc, nếu Tổng công ty cần sự vào cuộc tháo gỡ của các bộ, VPCP thì Tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo, nghe khó khăn để tháo gỡ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.