In bài viết

Thừa Thiên Huế cảnh báo tái diễn đợt mưa lớn, ngập lụt diện rộng

(Chinhphu.vn) - Tại khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa với cường độ mạnh nhất tập trung từ chiều 25-26/11, cần đề phòng xuất hiện những điểm mưa có cường độ rất lớn trên 100 mm/giờ.

22/11/2023 14:50
Thừa Thiên Huế cảnh báo tái diễn đợt mưa lớn, ngập lụt diện rộng- Ảnh 1.

Thừa Thiên Huế cảnh báo tái diễn đợt mưa lớn, ngập lụt diện rộng/Hình ảnh ngập lụt tại đô thị Huế trong đợt mưa lũ từ ngày 13-16/11 - Ảnh: VGP/Lê Hoàng

Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía bắc kết hợp với đới gió Đông trên cao nên từ ngày 24-27/11 trên đất liền tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh nhận định, đợt mưa này lượng mưa không có sự phân hóa mạnh giữa các địa phương trong tỉnh. Dự báo tổng lượng mưa phổ biến từ 150-300 mm, có nơi trên 500 mm. Những điểm tâm mưa ở huyện Nam Đông, Phú Lộc có thể từ 300-500 mm, có nơi trên 800 mm, gây ngập lụt diện rộng cho khu vực đồng bằng, các khu vực trũng thấp.

Mưa với cường độ mạnh nhất tập trung từ chiều 25-26/11, cần đề phòng xuất hiện những điểm mưa có cường độ rất lớn trên 100 mm/giờ.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh đã yêu cầu các địa phương chuẩn bị các phương án, kịch bản để triển khai công tác ứng phó nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai.

Cụ thể, UBND các huyện tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan… ven sông, suối, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn. Kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Các hồ đập rà soát lại số liệu, cập nhật chuẩn xác hằng giờ hằng ngày. Số liệu chính xác thì công tác vận hành mới chính xác, ứng phó thiên tai mới hiệu quả. Các địa phương chuẩn bị tốt nguồn lương thực, thực phẩm, chủ động cung cấp nguồn thông tin chính xác và chính thống, kịp thời cho người dân, không để những luồng thông tin bên ngoài không chính thống tạo dư luận, làm ảnh hưởng, gây hoang mang cho người dân. Đồng thời, rà soát lại thiệt hại để có những kiến nghị hỗ trợ kịp thời nhằm sớm ổn định cuộc sống người dân.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa có công điện đề nghị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế, Chi cục Thuỷ sản, Đài Thông tin duyên hải Huế tăng cường thời lượng thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết diễn biến gió mạnh để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch). 

Tổ chức kêu gọi tàu thuyền vào bờ an toàn trước ngày 25/11 (bao gồm cả thuyền bãi ngang ven biển).

Các chủ đập chủ động vận hành đưa mực nước hồ về mực nước trước lũ theo quy trình được phê duyệt trước 19h ngày 24/11 (mực nước hồ Tả Trạch:+38 m, hồ Bình Điền:+81,6 m; hồ Hương Điền:+56,5 m), bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt, giảm đỉnh lũ vùng hạ du.

Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi, đặc biệt là các công trình trên sông, cửa sông, ven biển…, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn cho người và phương tiện vật tư thi công. Bố trí biển báo, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang, khơi thông dòng chảy phòng tránh ngập úng.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán dân cư và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó với mưa lũ, thường xuyên tổng hợp báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Thế Phong