Lễ phát động Chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân được tỉnh Thừa Thiên Huế và 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số (Viettel, VNPT, Misa, Bkav, FPT, Nacencom) tổ chức ngày 29/7.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, chữ ký số là công cụ hữu hiệu góp phần thúc đẩy chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm, phát triển kinh tế số và hình thành công dân số. Trong đó, ưu điểm hàng đầu mà chữ ký số mang lại đó là sự nhanh gọn trong thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch điện tử, không cần trực tiếp ký tay.
Sau lễ phát động, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai chương trình phổ cập chữ ký số cho toàn dân trong vòng 12 tháng với 2 giai đoạn. Cụ thể, 3 tháng đầu kể từ ngày công bố kích hoạt chương trình, các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số cam kết triển khai sẽ đến từng hộ gia đình để hỗ trợ cấp phát chữ ký số cho toàn dân.
Trong 9 tháng tiếp theo, người dân chưa được cấp phát sẽ chủ động qua các kênh được công bố để đăng ký cấp phát. Việc đến tận hộ gia đình hỗ trợ tùy thuộc vào chương trình của các doanh nghiệp.
Trong chiến dịch này với sự cam kết của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, người dân sẽ được cấp chữ ký số với các chính sách hỗ trợ sau: Miễn phí trong vòng 1 năm bao gồm phí khởi tạo chữ ký số và ký số dịch vụ công trực tuyến. Các dịch vụ khác sử dụng bao nhiêu trả bấy nhiêu theo khung giá của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số.
Tùy vào chính sách của mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ, người dân có thể lựa chọn thay đổi đơn vị khác hoặc tạm dừng cho đến khi có nhu cầu trở lại mà không bị bất cứ ràng buộc nào khi kết thúc chương trình hỗ trợ sau 01 năm.
Sau khi được cấp chữ ký số, người dân có thể sử dụng để đăng ký dịch vụ công trực tuyến mà không cần mang theo giấy tờ in sẵn đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Người dân chỉ cần ngồi tại nhà hay bất cứ đâu, điền các thông tin theo mẫu có sẵn trên dịch vụ công của Hue-S và thực hiện ký số thì sẽ được cơ quan nhà nước chấp nhận.
Ứng dụng Hue-S hỗ trợ chức năng ký số hồ sơ cho phép kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hiện nay; hỗ trợ thanh toán trực tuyến thông qua ví điện tử trên Hue-S. Qua đó, sẽ góp phần thúc đẩy chất lượng hoạt động dịch vụ công, tăng tỉ lệ các thủ tục trực tuyến toàn trình của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chỉ trong một tuần triển khai, chương trình đã cấp phát và tiếp nhận đăng ký gần 2.000 chữ ký số công cộng cho người dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong tuần đầu triển khai chiến dịch cũng đã phát sinh một số bất cập như nguồn lực các doanh nghiệp chưa sẵn sàng, đặc biệt là các doanh nghiệp không có chi nhánh tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhận thức của người dân chưa đủ "chín" để đẩy nhanh, mạnh chiến dịch, các nền tảng hỗ trợ cho việc sử dụng chữ ký số chưa nhiều nên chưa thu hút được nhiều người dân tham gia.
Để đạt mục tiêu đề ra, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về chữ ký số, đồng thời huy động nguồn nhân lực của doanh nghiệp kích hoạt kịp thời với các nhu cầu đăng ký trực tuyến cũng như tăng cường về tận hộ gia đình. Triển khai các giải pháp đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã trong việc ứng dụng chữ ký số vào dịch vụ công trực tuyến trên Hue-S để sớm đưa giá trị chữ ký số vào cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, hiện nay, chữ ký số đang được triển khai rộng rãi nhưng vẫn tập trung chủ yếu ở các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp. Việc cấp chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân và triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Hue-S là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng, giúp cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công, thủ tục hành chính nhanh hơn, thuận tiện hơn, đồng thời đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch dịch vụ công trực tuyến cũng như các giao dịch khác giữa người dân, doanh nghiệp, từ đó sớm hoàn thiện các điều kiện hình thành công dân số theo chỉ đạo của Chính phủ.
Nhật Anh