|
Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho thấy, ở Thừa Thiên - Huế, nếu phát triển hệ thống đê biển có thể giảm 10% thiệt hại do thiên tai, đồng thời là một giải pháp hữu hiệu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Xói lở biển gây hại cho đê
Xói lở bờ biển là một mối nguy hại cho ven biển Thừa Thiên - Huế. Khoảng hơn mười năm trở lại đây, hiện tượng xói lở bờ biển đã "nuốt" đi nhiều đất đai ven biển của tỉnh. Xói lở biển làm hỏng hệ thống kè, chân kè, gây nguy hiểm cho đê.
Theo PGS. TS. Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, xói lở bờ biển ở Thừa Thiên - Huế diễn ra chủ yếu trong thời kỳ bão, lũ, áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc. Có 33 đoạn bờ biển của tỉnh bị xói lở với chiều dài gần 30 km, đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực phá Tam Giang - Cầu Hai. Mỗi năm trung bình xói lở lấn sâu vào trên 15m.
Có thể ghi nhận một số trận xói lở lịch sử ở bờ biển Thừa Thiên - Huế, như năm 1999, sóng biển sạt lở vào bờ 150m ở xã Hải Dương (huyện Hương Trà) đã "đẩy" 54 ngôi nhà dân xuống biển.
Bờ biển cửa Tư Hiền cũng bị biến động mạnh do sóng biển. Trận lũ lịch sử năm 1999 đã mở ra hai cửa sông mới ở Vinh Hiền và Vinh Hải, cuốn trôi hàng chục ngôi nhà. Đến tháng 5/2000, ở đây đã bồi tụ lại một bãi cát cao. Nhưng đợt gió mùa năm 2003 lại làm sạt lở 700m, biển tiến sâu vào đất liền 25-30m, tạo nên các vách sạt lở cao 3m…
"Tính toán cho thấy, xói lở bờ biển sẽ gia tăng do nước biển dâng. Nước biển dâng làm tăng cường sóng tràn và sóng leo trên mái công trình, đe dọa an toàn của các công trình ven biển", PGS. TS. Trần Thục nói.
Đê biển - giảm gần 1,2 triệu USD/ năm thiệt hại do thiên tai
Để ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng ven biển Thừa Thiên - Huế, các nhà khoa học đã lựa chọn biện pháp giảm tác hại là xây đê biển. Bởi đê biển có khả năng bảo vệ đất trồng trọt, mặt nước thủy sản; bảo vệ các công trình hạ tầng xã hội.
Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh hiện còn hơn 180 km đê bao ven biển và ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trong tình trạng mất an toàn do được xây dựng lâu năm bằng đất, cát và các vật liệu tạm bợ khác.
Các nhà khoa học học tính toán rằng, thiệt hại do thiên tai gây ra ở Thừa Thiên - Huế trung bình khoảng 11,9 triệu USD. Trong khi đó, có được hệ thống đê biển vững chắc có thể giảm thiệt hại về kinh tế xã hội khoảng 10%, tương được 1,19 triệu USD/ năm.
Dự kiến mỗi năm xây dựng 20km thì trong vòng 10 năm, hệ thống đê biển của Thừa Thiên - Huế được gia cố toàn bộ. Chi phí xây dựng 1 km đê biển là 208.000 USD và chi phí bảo trì là 2.000 USD một năm.
Tuy nhiên, khó khăn của tỉnh hiện là vấn đề kinh phí. Toàn tỉnh mới hoàn thành xây dựng kiên cố khoảng 34 km đê bao và 21 cống tiêu nước. UBND tỉnh đang xúc tiến kế hoạch kiên cố hóa thêm 150 km đê bao và 169 cống thoát trong giai đoạn từ năm 2010 - 2015, với tổng kinh phí khoảng 973 tỷ đồng.
Tính toán tổng thể về chi phí và lợi ích đầu tư, PGS. TS. Trần Thục cho biết, chỉ mất 6 năm, lợi ích thu được sẽ bằng với chi phí bỏ ra khi gia cố đê biển.
Nhật Tân