Sau trận lũ, nhiều tuyến đường dẫn vào các tiểu khu 321, 319 của xã Hương Nguyên hư hỏng nặng. Tuy nhiên, điều này vẫn không ngăn được bước chân của đội quân phá rừng tái sinh, phát nương làm rẫy. Lực lượng tham gia "đội quân" này khá đông, chủ yếu là người dân hai xã Hương Nguyên và Hồng Tiến.
Ông Lê Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hương Nguyên bảo: "Giờ bản làng vắng lắm, bà con lên rẫy, chuẩn bị phát, đốt hết rồi. Chỉ tội mấy bản làng phía dưới, phải thường xuyên uống nước ô nhiễm vì nạn đốt phá rừng bừa bãi."
Tại tiểu khu 319, sau một thời gian im ắng, bà con lại lục đục rủ nhau phát nương, chuẩn bị cho mùa rẫy mới. Kéo theo đó là những cánh rừng tái sinh tiếp tục bị "vặt" trụi, nhiều nơi các thân gỗ lớn chỉ còn lại gốc, cháy đen nhẻm, nằm ngổn ngang. Theo thống kê của UBND xã Hương Nguyên, chỉ riêng mấy tháng trở lại đây, tiểu khu 319 đã có hơn 5ha rừng tái sinh bị phát, đốt. Xã đã lập biên bản xử phạt 2 triệu đồng đối với trường hợp bà Lê Thị Thắng ở thôn Giong. Tuy nhiên, vừa phạt xong hôm trước, hôm sau bà Thắng đã quay trở lại rẫy tiếp tục phát, đốt. Chưa kể dòng Tả Trạch (thượng nguồn sông Hương), nhiều lâm tặc cũng đi từ A Roàng vào địa bàn xã Hương Nguyên chặt phá rừng, mang gỗ thả trôi sông về xuôi.
Tiểu khu 321 cũng lâm vào tình trạng tương tự. Trên những triền đồi dốc, dấu vết rừng tái sinh còn lại chỉ là màu đen của những gốc cây bị chặt trụi. Gỗ lớn đã vận chuyển đi hết, chỉ còn lại gỗ nhỏ được đồng bào "mót" mang về làm củi. Tuyến đường dẫn vào tiểu khu 321 bị cày xới, giẫm nát bởi dấu chân trâu, bò. Ông Hồ Văn Hối ở thôn Tà Rá (xã Hương Nguyên) đang mót củi ở khu vực này cho biết: "Đây là rừng thưa được bà con đốt từ mấy tháng trước. Gỗ lớn đã vận chuyển hoặc thả theo khe suối về xuôi hết rồi. Giờ còn lại gỗ nhỏ, tôi lên lấy về chẻ làm củi thôi".
Theo UBND xã Hương Nguyên, năm 2010, thực hiện nghị quyết của HĐND xã về chủ trương giao đất cho người dân trên địa bàn trồng cao su, mỗi hộ sẽ có 3ha ở tiểu khu 321 để phát và ươm cây cao su. Đến nay, bà con đã phát, đốt 22ha. Lợi dụng chính sách này, nhiều hộ dân đã chặt rừng tái sinh không thương tiếc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài số diện tích đất được xã giao trồng cao su, nhiều hộ đã chặt phá và cho trâu, bò lên vận chuyển, "tận thu" những diện tích rừng tái sinh không chỉ trong tiểu khu 321 mà còn nhiều khu vực lân cận.
Ông Lê Xuân Kho, Chủ tịch UBND xã Hương Nguyên thừa nhận: "Việc người dân lợi dụng chủ trương giao đất trồng cao su để phá rừng ngoài khu vực cho phép là có thật nhưng do lực lượng mỏng nên xã không quản lý hết được. Tính đến nay, đã có gần 30ha rừng tái sinh ở hai tiểu khu 321 và 319 bị người dân đốt phá. Trong khi đó, việc bắt giữ và xử phạt của địa phương gặp nhiều khó khăn. Không ít lần lực lượng kiểm lâm kết hợp với dân quân tự vệ cùng cán bộ xã tiến hành kiểm tra nhưng chỉ bắt giữ được trâu, bò nên không xử lý gì được."
Hương Nguyên là địa phương vùng cao của huyện A Lưới. Từ trước đến nay, nguồn nước sinh hoạt, ăn uống của người dân 6 thôn đều dựa vào hai con suối A Bả và A Pát. Thế nhưng, khoảng một năm trở lại đây, nguồn nước này bị ô nhiễm nghiêm trọng do ở thượng nguồn, tình trạng phá rừng diễn ra vô tội vạ. Theo ghi nhận của chúng tôi, vào mùa này, tại suối A Bả, nơi cung cấp nước cho 4 thôn Tà Rá, Mù Nú, Giong, A Rì với khoảng 200 hộ dân, nước đục ngầu, mang theo nhiều tro trụi "tàn tích" của rừng bị đốt chảy về xuôi.
Nguồn nước về đập thủy lợi nhỏ ở thôn Tà Rá cũng bị ô nhiễm khiến 5ha lúa nước, nguồn lương thực chính của thôn, bị ảnh hưởng nặng nề. Chị Nguyễn Thị Hải (25 tuổi, thôn Tà Rá) cho biết: "Trước đây, mưa hay nắng, nước dẫn từ suối A Bả về đều rất trong. Giờ thì hứng nước đổ vào xoong đã thấy nhiều váng cợn màu đen, bốc mùi hôi thối. Thỉnh thoảng trong nước còn có cả đỉa và các côn trùng, uống dễ đau bụng, tắm giặt thì ngứa ngáy khắp người. Gia đình tôi có con nhỏ, bị bệnh dạ dày và tiêu chảy phải đi viện nhiều lần". Theo ông Thắng, thời gian gần đây, có đến 70% người dân ở khu vực các thôn có nguồn nước ô nhiễm bị mắc các loại bệnh liên quan đến đường ruột và ngoài da.
Tại khu vực suối A Pát, người dân ở hạ nguồn gồm các thôn Nghĩa, Chà Nu cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Lê Công Quý, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Nguyên thừa nhận: "Phá rừng đã làm nguồn nước sinh hoạt của bà con 6 thôn xã Hương Nguyên bị ô nhiễm nặng nề. Chỉ tính riêng vài tháng trở lại đây, trên địa bàn xã đã có gần 200 trường hợp mắc bệnh da liễu và đường tiêu hóa, trong đó chủ yếu là người già và trẻ em".
Đã đến lúc, các ngành chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chấm dứt tình trạng phá rừng, một trong những nguyên nhân dẫn đến lũ lụt triền miên.
HLK