Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 2.062 phương tiện với 11.350 lao động hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, có 613 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá. Tỉnh đã tiến hành kêu gọi các tàu, thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển và vùng đầm phá vào bờ, sắp xếp trú ẩn tại các địa điểm an toàn.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, đến 9h ngày 25/9 toàn tỉnh hiện còn 17 phương tiện với 156 lao động hoạt động thủy sản trên biển; dự kiến trong sáng ngày 26/9 sẽ vào bờ. Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế có phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại các cảng Thuận An, Chân Mây, tránh va trôi.
UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế đã tiến hành rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn.
Trong đó, ưu tiên triển khai sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn.
Tỉnh cũng đã xây dựng phương án di dời 26.255 hộ với 99.424 khẩu để đối phó với nước dâng do bão, lũ lụt.
Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Ngoài ra các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thuỷ điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3. Hiện nay mực nước các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn, các hồ đang vận hành tăng cường phát điện qua tuabin để đưa về mực nước mức thấp và sẵn sàng đón lũ./.