Tọa đàm thu hút sự tham gia của trên 120 lãnh đạo, chuyên gia và chia sẻ của các diễn giả đến từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Viện Năng lượng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Năng lượng T&T và Tập đoàn GE cùng các doanh nghiệp khác trong ngành năng lượng.
Tại chương trình, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của chuyển đổi năng lượng, cũng như nêu ra các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện chuyển đổi.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn.
Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững. Sự gia tăng của các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với các thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhăm đảm bảo nguồn điện đáng tin cậy.
Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam mang đến góc nhìn mới về chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả thông qua việc chia sẻ những kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong phát triển chính sách, cũng như những hỗ trợ cho Việt Nam trong hành trình này.
Ông Sean M.Lawlor, chuyên gia năng lượng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết Hoa Kỳ đã bắt đầu chuyển đổi từ hơn một thập kỷ trước, đến nay đã cắt giảm điện than còn một nửa, phát triển điện khí đạt 38% tổng hỗn hợp năng lượng đồng thời khuyến khích các giải pháp năng lượng sạch.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục duy trì nỗ lực này bằng mục tiêu lắp đặt 30 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và nâng tỉ trọng điện mặt trời lên tới 40% trong hỗn hợp năng lượng vào năm 2035.
Ông Sean M.Lawlor khẳng định: "Là đối tác lâu dài của Việt Nam, chúng tôi đang khuyến nghị Chính phủ Việt Nam triển khai các giải pháp sáng tạo về chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, hướng đến thực hiện cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu tại Hội nghị COP26".
Theo đó, các chính sách bao gồm cơ chế mua bán điện trực tiếp, đấu giá, tiêu chuẩn vay vốn và phê duyệt cho các khoản đầu tư cũng như dự án truyền tải điện. Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ công nghệ, vốn, chuyên môn về chính sách và kỹ thuật để đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình này.
Tại tọa đàm, đại diện Tập đoàn GE chia sẻ Tập đoàn đang tích cực đóng góp cho tương lai ngành năng lượng thông qua việc tăng tốc phát triển điện tái tạo kết hợp với điện khí một cách có chiến lược, giúp giảm phát thải hiệu quả, đồng thời mang lại nguồn năng lượng đáng tin cậy với giá cả hợp lý.
Ông Narendra Asnani, Tổng Giám đốc Khối Dịch vụ GE Gas Power châu Á cho biết các nguồn năng lượng phát thải thấp hơn như khí, cùng với các giải pháp như công nghệ khí hydro và thu giữ carbon có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trung hòa cacbon.
Khí tạo ra nguồn điện đủ linh hoạt, có khả năng củng cố lưới điện để bổ trợ cho các loại điện tái tạo.
"Với sự hiện điện lâu dài ở Việt Nam cùng cam kết hỗ trợ kinh tế đất nước tăng trưởng thông qua những công nghệ năng lượng hiệu suất cao mới nhất, GE đang cung cấp các giải pháp phù hợp và kinh nghiệm toàn cầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện hiện tại đồng thời duy trì tăng trưởng", ông Narendra Asnani khẳng định .
Trong phần thảo luận chuyên sâu, các đại diện từ Viện Năng lượng, USAID, EVN, T&T và GE đã trao đổi và đề xuất những giải pháp từ các khía cạnh công nghệ, chính sách, tài chính... nhằm thúc đây quá trình chuyển đổi năng lượng cho Việt Nam.
Những kinh nghiệm và ý tưởng được chia sẻ trong hội thảo cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi năng lượng để đạt được sự phát triển bền vững. Với sự hợp tác đa phương, song song xây dựng chính sách và quy định phù hợp, đồng thời phát triển công nghệ tiên tiến, tiến trình cuộc chuyển đổi sẽ được triển khai nhanh chóng, giúp đảm bảo nguồn năng lượng và góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững.
Hiện tại, điện than vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu điện của Việt Nam với tỉ trọng lên đến 1/3 tổng sản lượng điện.
Để đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỉ trọng nhiệt điện than xuống còn khoảng 9,5%, đồng thời phát triển năng lượng điện tái tạo đạt tỉ lệ 32% vào năm 2045. Các nguồn điện carbon thấp cũng được khuyến khích phát triển để giảm phát thải carbon và hỗ trợ cho điện tái tạo.
Toàn Thắng