In bài viết

Thúc đẩy công khai, minh bạch, khách quan trong hoạt động đấu giá tài sản

(Chinhphu.vn) - Ngày 28/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) với nhiều nội dung được đại biểu và dư luận xã hội quan tâm như có giải pháp triệt để chống "quân xanh, quân đỏ", thông đồng, dìm giá, thổi giá, nhất là trong đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, tài sản nhà nước…

28/11/2023 16:47

Thúc đẩy công khai, minh bạch, khách quan trong hoạt động đấu giá tài sản- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo giải trình, làm rõ những nội dung lớn của Luật Đấu giá tài sản sửa đổi đại biểu Quốc hội quan tâm - Ảnh: VGP

Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm xã hội hóa, chuyển đổi số, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cấp về thể chế, thúc đẩy công khai, minh bạch, khách quan của hoạt động đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Qua nghiên cứu dự thảo và từ thực tiễn theo dõi công tác đấu giá tài sản, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cơ bản nhất trí với nội dung và bố cục của dự thảo Luật. Góp ý cụ thể cho dự thảo Luật, đại biểu cho rằng: Các quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện nay đang bỏ trống các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản. Quá trình tổ chức thi hành có ý kiến cho rằng, tổ chức đấu giá tài sản được làm những gì pháp luật không cấm, có quyền tự do thỏa thuận các giao dịch dân sự… Do đó, đại biểu đề nghị Luật cần bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản như: gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để dành lợi thế về cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá…

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) thống nhất và tin tưởng dự án Luật sẽ tháo gỡ vướng mắc, tiêu cực trong đấu giá tài sản. Thống nhất về mức tiền đặt trước, mức tiền đặt trước từ 5-20% đối với tài sản đặc thù, tài sản thông dụng thì do người có tài sản đấu giá quyết định. Do đó, đại biểu đề nghị giữ quy định như hiện hành.

Quy định này là phù hợp tạo điều kiện thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham giá đấu giá. Nếu nâng tiền đặt trước lên quá cao sẽ giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá, dù thực tế có một số đối tượng tham gia đấu giá với mục đích không tốt và sẵn sàng chịu mất tiền cọc. Từ thực tế trên, đại biểu đề xuất người trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì bị phạt nộp thêm, bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính.

Về dừng phiên đấu giá, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho biết ngoài những biểu hiện bất thường trong tham giá đấu giá như giá được trả tăng rất nhiều so với giá khởi điểm. Luật chưa quy định quyền của đấu giá viên hay quyền của người có tài sản đấu giá yêu cầu dừng cuộc đấu giá để xử lý các trường hợp trên. Hay đấu giá tài sản thi hành án dân sự mà số tiền đấu giá đã đủ để thi hành án chưa có quy định dừng đấu giá.

Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) thống nhất với sự cần thiết sửa đổi luật, với các nhóm chính sách do Chính phủ trình; đồng thời đề nghị bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án.

Về phạm vi sửa đổi bổ sung của dự thảo luật, qua nghiên cứu Luật Đấu giá tài sản hiện hành và thực tiễn thi hành về đấu giá tài sản trong thời gian qua, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật một số quy định để tạo cơ sở pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị bổ sung quy định về trình tự thủ tục đấu giá tài sản thi hành án. Theo quy định tài khoản 1 Điều 4 luật hiện hành và dự thảo luật, tài sản thi hành án thuộc trường hợp phải bán thông qua đấu giá, tuy nhiên luật hiện hành và dự thảo luật hiện nay chưa có quy định thủ tục riêng cho việc đấu giá tài sản thi hành án.

Thực tiễn cho thấy, để đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá, thời gian thường kéo dài từ lúc kê biên thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá… Trường hợp bán đấu giá khung thành thì giảm giá tài sản để tiếp tục bán. Mỗi hành vi công việc nêu trên của chấp hành viên, của các tổ chức cơ quan đều có thể bị chủ tài sản người phải thi hành án khởi kiện, tố cáo và quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo mất rất nhiều thời gian…

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, hiện nay, trong hoạt động đấu giá còn những bất cập, tiêu cực như: Tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng, khống chế giá; còn tình trạng thông đồng giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá; quy định về áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, bất cập…

Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công, không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản; tiếp tục nghiên cứu, quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; quy định cụ thể về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá tài sản thuộc quyền sử hữu của Nhà nước; đối với tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước có mức giá khởi điểm trên 500 triệu đồng, buộc phải tiến hành đấu giá theo hình thức trực tuyến.

Đối với tài sản thi hành án, đại biểu cho rằng, đây là tài sản đặc thù, mặt khác Chấp hành viên chỉ là người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo quy định của pháp luật (không phải là người sử dụng, người sở hữu tài sản). Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu có những quy định riêng cho phù hợp với các quy định về thi hành án cũng như bảo đảm tốt quyền lợi của người sở hữu, sử dụng tài sản.

Thúc đẩy công khai, minh bạch, khách quan trong hoạt động đấu giá tài sản- Ảnh 2.

Đại biểu Trần Văn Khải: Việc sửa đổi là cần thiết và cấp thiết, góp phần ngăn chặn nhũng nhiễu, gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này - Ảnh: VGP

Nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng ý kiến đại biểu Quốc hội

Tham gia ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) cho biết, về tài sản đấu giá, dự thảo luật quy định, tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Đại biểu cho rằng quy định như vậy còn chung chung, vì theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, tài sản bao gồm bất động sản và động sản.

Như vậy, tài sản bảo đảm là vật, bất động sản, động sản thì có thể đưa ra đấu giá được, còn nếu tài sản là tiền, giấy tờ có giá, thì bản thân tài sản đó đã có giá, không thể đấu giá được. Đại biểu đề nghị dự thảo luật sửa lại theo hướng: tài sản bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trừ tài sản bảo đảm là tiền, giấy tờ có giá.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản lần này là hết sức cần thiết và cấp thiết, góp phần ngăn chặn nhũng nhiễu, lạm dụng gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này.

Đại biểu Trần Văn Khải quan tâm đến đấu giá tải sản có giá trị lớn, khó định giá hay tài sản dạng "phi vật thể" như: quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng… Việc đấu giá tài sản này rất khác biệt, có nhiều bất cập cần nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn. Đặc biệt là các hành vi nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản như đấu giá quyền sử dụng đất...

Trong Luật Đấu giá tài sản hiện hành, Khoản 5 Điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá. Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay "đấu giá hộ" do không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp "dựa hoàn toàn" vào ngân hàng bảo lãnh. Hay trường hợp bỏ cọc xảy ra không dễ thu tiền cọc. Hay trúng đấu giá xong triển khai dự án trì trễ… Đây là vấn để rất nghiêm trọng đã xảy ra phổ biến, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất.

Trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính "vốn thực có" của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề mà đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đã có 131 ý kiến thảo luận tại tổ và hội trường với hầu hết nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung luật nhằm giải quyết những vấn đề mới phát sinh trên thực tế hiện nay như: liệt kê tài sản bảo đảm, trình tự thủ tục rút gọn, chế tài với người trúng đấu giá mà bỏ, đấu giá để cho thuê tài sản… Theo đó, những ý kiến của đại biểu sẽ được Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ đặt vấn đề sửa đổi luật lần này trong bối cảnh pháp luật đấu giá hiện hành đang hoạt động bình thường. Qua tổng kết thi hành 5 năm qua, đấu giá khoảng 200.000 cuộc với trên 90% là tài sản công, trong khi thông lệ quốc tế chủ yếu là đấu giá tài sản tư. Số liệu hiện hành cho thấy đấu giá đang hoạt động bình thường. Trong lần sửa đổi này nhằm cập nhật các quy định của pháp luật hiện hành, bổ sung quy trình bán đấu giá, đặc biệt đối với tài sản đặc thù như hạ tầng giao thông vận tải, quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, tần số vô tuyến điện. Thực tế phát sinh một số vấn đề cần phải được xử lý và cũng hướng đến coi đấu giá là nghề chuyên nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng giải trình một số nội dung cụ thể về trình tự, thủ tục nhằm hạn chế "thông đồng, dìm giá", "quân xanh – quân đỏ"...  Dự thảo Luật sửa đổi lần này cố gắng thiết kế công khai, minh bạch các quy trình thủ tục, kéo dài thời hạn cần thiết, quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ, quy trình xét duyệt… và các quy định về điều kiện tham gia đấu giá, tiền đặt trước theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, còn các quy định về giá khởi điểm hay xử lý thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.

Về chế tài với người bỏ tiền đặt cọc sẽ nghiên cứu làm sâu sắc hơn nữa, góp ý hoàn thiện các quy định chuyên ngành. Bộ trưởng cho biết thêm, để thực hiện ngay tình thì còn nhiều yêu tố liên quan từ quy định chặt chẽ của pháp luật, đạo đức kinh doanh, đạo đức hành nghề, trách nhiệm người quản lý.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Ban soạn thảo quy định theo hướng cố gắng nâng tính chuyên nghiệp của tổ chức hành nghề và các đấu giá viên.

Lê Sơn