In bài viết

Thúc đẩy dòng luân chuyển tri thức và công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc

(Chinhphu.vn) - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) được coi là hạt nhân lan tỏa, thúc đẩy dòng luân chuyển tri thức và công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Sự thành công của mô hình Viện VKIST được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy sự chuyển mình của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và góp phần tạo nên sự đột phá cho nền KH&CN của Việt Nam.

17/01/2023 15:23
VKIST: Thúc đẩy dòng luân chuyển tri thức và công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo chứng kiến Ký kết bàn giao giữa Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Bộ KH&CN - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 17/1, tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, trụ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) đã chính thức được khánh thành trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo.

Kể từ khi ý tưởng xây dựng Viện VKIST được thai nghén sau chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào tháng 3/2012, Dự án "Hợp tác xây dựng Viện VKIST tại Việt Nam" đã được hai phía Việt Nam – Hàn Quốc tích cực phối hợp triển khai và đã kết thúc giai đoạn 1 vào ngày 31/12/2022 vừa qua. Dự án do Bộ KH&CN Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đồng chủ quản.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, hành trình hơn 1 thập kỷ với sự nỗ lực và quyết tâm cao của hai phía trong hợp tác xây dựng Viện VKIST đã gặt hái được "trái ngọt". Đó chính là một Viện VKIST được xây dựng khang trang, hiện đại theo chuẩn quốc tế cùng đội ngũ nhân sự chất lượng cao trong nước, cũng như từ nước ngoài quay trở về cống hiến cho nền KH&CN nước nhà. Đó là tình hữu nghị Việt – Hàn được đi vào thực chất, hiệu quả thông qua hợp tác của hai phía trong triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu chung, đào tạo nâng cao năng lực… trong khuôn khổ Dự án VKIST.  

Lễ khánh thành trụ sở Viện VKIST diễn ra trong thời điểm đặc biệt ý nghĩa khi quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc được nâng cấp lên "Đối tác chiến lược toàn diện", mở ra một chương mới trong hợp tác song phương giữa hai quốc gia. Đây chính là đòn bẩy để hai nước thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực KH&CN nói chung và cùng nhau xúc tiến các giai đoạn tiếp theo của Dự án VKIST nói riêng, làm tiền đề vững chắc để Viện VKIST tiếp tục phát triển bền vững.

VKIST: Thúc đẩy dòng luân chuyển tri thức và công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo cùng các đại biểu cắt băng khánh thành trụ sở VKIST - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Kết tinh của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, dự án VKIST chính là kết tinh của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực được coi là xu thế tất yếu của thời đại – KHCN và đổi mới sáng tạo.

Trong suốt thời gian qua, Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với Dự án VKIST, cũng như kỳ vọng sự thành công của mô hình Viện VKIST sẽ tạo động lực thúc đẩy sự chuyển mình của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và góp phần tạo nên sự đột phá cho nền KH&CN của Việt Nam.

Là viện nghiên cứu ứng dụng đầu tiên của Việt Nam được xây dựng dựa trên mô hình của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST), Viện VKIST mang trên mình sứ mệnh trở thành một viện đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại phục vụ cho các ngành công nghiệp và sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Viện VKIST đang ngày càng phát huy tốt vai trò là hạt nhân kết nối hợp tác giữa các viện, trường, doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của hai nước; đồng thời là hạt nhân lan tỏa, thúc đẩy dòng luân chuyển tri thức và công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc về sự đồng hành, hỗ trợ trong quá trình xây dựng và phát triển Viện VKIST nói riêng và đối với hoạt động KH&CN của Việt Nam nói chung.

Đồng thời khẳng định, Việt Nam cam kết sẽ song hành, hỗ trợ Viện VKIST phát triển bền vững, đúng với định hướng mà hai bên đã đặt ra; mong muốn phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trên con đường thực hiện nhiệm vụ cao cả này.

"Chúng ta có quyền kỳ vọng vào sự phát triển hơn nữa của Viện VKIST trong tương lai và thậm chí là cả những kỳ tích Viện có thể kiến tạo cho sự nghiệp KHCN và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam như những gì KIST đã làm được trong công cuộc chấn hưng nền khoa học kỹ thuật của Hàn Quốc trước đây", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

VKIST: Thúc đẩy dòng luân chuyển tri thức và công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo viết lưu niệm tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo cho biết, dự án VKIST là một dự án vừa có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt, vừa mang nhiều thử thách đối với Hàn Quốc. Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong các dự án viện trợ không hoàn lại mà Hàn Quốc đã và đang triển khai trên thế giới.

"Trong thời gian tới, hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo - nền tảng cho sự phát triển công nghệ ứng dụng của Việt Nam sẽ được tiến hành tại VKIST - biểu tượng của sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc", Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo cho biết và bày tỏ mong muốn các nhà nghiên cứu hãy cống hiến hết sức mình cho khoa học.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hàn Quốc, KIST đã đóng góp đáng kể vào quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc trong nửa thế kỷ qua bằng cách thiết lập nền tảng cho KHCN, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo mong rằng, VKIST sẽ đóng góp vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam bằng việc đón đầu trong nghiên cứu và phát triển (R&D) - cầu nối giữa KHCN và công nghiệp.

Chính phủ và Quốc hội Hàn Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ để VKIST có thể vươn cao hơn nữa, trở thành cầu nối then chốt cho hợp tác KHCN giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Dự án VKIST được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1238/QĐ-TTg ngày 29/7/2013 với tổng kinh phí dự kiến là khoảng 70 triệu USD, trong đó vốn ODA không hoàn lại từ Chính phủ Hàn Quốc là 35 triệu USD và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước là 730 tỷ đồng.

Với đòn bẩy là cơ chế tự chủ tài chính được quy định tại Nghị định số 50/2015/NĐ-CP ngày 18/05/2015 của Chính phủ, sự thành công của mô hình VKIST được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế và công nghệ có tính định hướng thị trường, có thể chuyển giao vào các ngành kinh tế, ngành công nghiệp và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam.

Kết quả của giai đoạn 1: Xây dựng trụ sở làm việc hiện đại của Viện; xây dựng 4 (trên tổng số 10 phòng) phòng thí nghiệm hiện đại (Phòng Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Điện tử và Công nghệ tích hợp Công nghệ sinh học và Công nghệ thông tin); xây dựng bộ máy tổ chức với các quy chế vận hành vượt trội giúp tạo ra một môi trường thân thiện với hoạt động nghiên cứu; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hoàng Giang