In bài viết

Thúc đẩy lực mua đối với hàng hoá nguyên liệu thế giới

(Chinhphu.vn) - Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc xanh quay trở lại bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới sau ngày giảm tương đối mạnh trước đó.

12/01/2023 09:53
Thúc đẩy lực mua đối với hàng hoá nguyên liệu thế giới - Ảnh 1.

Chỉ số MXV-Index bật tăng trở lại 1,16%, lên mức 2.388 điểm trong ngày 11/01.

Đóng cửa hôm qua 11/01, ngoại trừ nhóm nguyên liệu công nghiệp, cả 3 nhóm còn lại đều đón nhận lực mua tích cực, điều này hỗ trợ chỉ số MXV-Index bật tăng trở lại 1,16%, lên mức 2.388 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 3.200 tỷ đồng.

Nhóm năng lượng là điểm sáng trong ngày hôm qua khi tất cả 5 trên 5 mặt hàng đồng loạt đóng cửa tăng giá. Giá xăng RBOB dẫn đầu đà tăng của toàn thị trường với mức tăng rất mạnh 4,6%. Cùng với đó, dầu ít lưu huỳnh và dầu thô tăng cũng đều đóng cửa với mức tăng trên 3%.

Giá dầu thế giới lên mức cao nhất trong vòng một tuần

Giá dầu nối dài đà tăng khi triển vọng tiêu thụ tích cực lấn át các số liệu từ báo cáo tồn kho của Mỹ. Kết thúc phiên 11/01, giá dầu WTI tăng 3,05% lên 77,41 USD/thùng, và giá dầu thô Brent cũng tăng 3,21% lên 82,67 USD/thùng. Cả hai mặt hàng đều đóng cửa ở mức cao nhất trong vòng một tuần.

Động lực mạnh nhất thúc đẩy thị trường vẫn là việc Trung Quốc đẩy mạnh mua dầu thô ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Nhiều ước tính tích cực được đưa ra và ngày càng củng cố kỳ vọng nhu cầu của nhà nhập khẩu số một thế giới sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, và có thể sớm hơn so với dự báo trước đó là quý II. 

Trong ngày hôm nay, thị trường sẽ đón nhận hai thông tin lạm phát rất quan trọng là Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc và Mỹ. Đây là cơ sở hàng đầu đối với các Ngân hàng Trung ương trong việc hoạch định các chính sách tiền tệ, và sẽ là yếu tố mang lại tác động rất đáng kể với thị trường dầu.  

Thúc đẩy lực mua đối với hàng hoá nguyên liệu thế giới - Ảnh 2.

Bảng giá kim loại kết thúc ngày giao dịch 11/01.

Kim loại cơ bản nhận hỗ trợ, giá bạc và bạch kim giảm nhẹ

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/01, thị trường kim loại ghi nhận diễn biến có phần phân hoá. Đối với nhóm kim loại quý, cả giá bạc và bạch kim đều giảm với các mức lần lượt là 0,78% xuống 23,48 USD/ounce và 0,26% xuống 1073,8 USD/ounce. 

Đáng chú ý, đồng COMEX ghi nhận phiên tăng mạnh thứ 4 liên tiếp với mức tăng 2,17% lên mức 4,16%, cao nhất trong vòng 6 tháng. Kỳ vọng về nhu cầu sẽ tăng cao trước tín hiệu mở cửa trở lại tại nhà tiêu thụ lớn nhất thế giới Trung Quốc và các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, trong khi dự trữ của các sàn giao dịch vẫn ở mức thấp sau một năm khi sản xuất bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu năng lượng ở châu Âu và Trung Quốc đã đẩy giá đồng COMEX vượt 4 USD/pound. Hiện tại, tồn kho đồng trên sở COMEX đạt 33.550 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.

Quặng sắt cũng ghi nhận mức tăng 1,25% lên 121,5 USD/tấn. Các nhà phân tích cho biết khối lượng vận chuyển quặng sắt thấp hơn, đặc biệt là từ Brazil do ảnh hưởng của mùa mưa và lượng hàng đến từ nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc cũng đang đẩy giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao hơn. 

Bên cạnh các yếu tố về cung cầu, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn sẽ gây ảnh hưởng mạnh tới thị trường hàng hoá, đặc biệt là nhóm năng lượng và kim loại.

Hiện tại, kỳ vọng về mức lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt và có thể khiến Fed tăng lãi suất chậm lại, đang khiến cho đồng Dollar Mỹ duy trì ở vùng thấp nhất trong 6 tháng.

Đây vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá cả hàng hoá trong thời gian tới. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất sẽ là mức đỉnh lãi suất và thời gian duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ có thể gây ra nguy cơ suy thoái kinh tế, và xu hướng thị trường trong giai đoạn dài hơn sẽ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)