In bài viết

Thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế cho ngư dân

(Chinhphu.vn) - Việc chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân ven biển muốn có hiệu quả cần có sự tham gia, góp ý của người dân với mục tiêu tạo việc làm, có thu nhập bền vững.

13/12/2024 16:55
Thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế cho ngư dân- Ảnh 1.

Theo quy hoạch đến năm 2030, cả nước còn khoảng 83.600 tàu cá

Hôm nay (13/12), Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch "Giảm khai thác, tăng cường quản lý tàu cá và thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế cho ngư dân".

Theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, cả nước còn khoảng 83.600 tàu cá. Để đạt được mục tiêu này, lộ trình giảm số lượng tàu cá và chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân theo đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái cần được đảm bảo.

Mục tiêu tạo thu nhập bền vững cho ngư dân

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, khai thác thủy sản hiện quá lớn và tác động đến nguồn lợi thủy sản nghiêm trọng. Nếu khai thác thủy sản ven bờ không được tổ chức hợp lý thì nguồn lợi thủy sản sẽ vẫn suy giảm. Đời sống ngư dân ngày càng khó khăn.

Việc chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân ven biển là chủ trương lớn. Để chuyển đổi nghề hiệu quả cần có sự tham gia, góp ý của người dân với mục tiêu tạo việc làm, có thu nhập bền vững. Hiện đã có một số mô hình hay, hiệu quả nhưng để nhân rộng cần có sự chung tay của lãnh đạo địa phương cũng như cộng đồng để xây dựng nông thôn mới ven biển trở thành nơi đáng sống, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Ông Vũ Duyên Hải, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, hiện 28 tỉnh, thành phố ven biển, đã nghiêm túc thực hiện chính sách tạm dừng cấp văn bản chấp thuận cho đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá đối với tàu cá làm nghề cấm, nghề hạn chế phát triển theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là không bổ sung các nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, phù hợp với định hướng phát triển nghề khai thác thủy sản.

Điển hình là lưới kéo, lưới rê thu ngừ là những nghề xâm hại nguồn lợi và hệ sinh thái. Các địa phương đều xác định và đã xây dựng tiêu chí đặc thù nhằm hạn chế phát triển, đặc biệt là nghề lưới kéo. Do đó, các tỉnh, thành phố ven biển đã tổ chức triển khai thực hiện tốt việc cắt giảm những tàu cá làm nghề lưới kéo có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, tàu cá có tuổi thọ từ 15 năm trở lên…

Việc xác định loại nghề hạn chế phát triển và thực hiện cắt giảm tàu cá làm nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ đã góp phần điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác hải sản theo hướng giảm dần các nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái. Các địa phương đã giảm số lượng tàu làm nghề lưới kéo từ khoảng 20% (năm 2020) và xuống còn khoảng 17% (năm 2024) và tiếp tục thực hiện cắt giảm để giảm dần trong giai đoạn 2026 - 2030.

Qua đó, số lượng tàu cá toàn quốc đã giảm trung bình 0,6 %/năm. Trong giai đoạn này, có 12/28 địa phương ven biển có số tàu cá giảm dần như: Quảng Bình, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Trị, Cà Mau…

Tuy nhiên, ông Vũ Duyên Hải cũng cho biết, chính sách giảm khai thác (giảm tàu cá) chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tại các địa phương. Việc triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi nghề, cắt giảm tàu cá tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, số lượng tàu khai thác được chuyển đổi nghề còn rất thấp.

Thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế cho ngư dân- Ảnh 2.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nuôi trồng thủy sản thu hút người dân

Theo Cục Thủy sản đánh giá, một số mô hình chuyển đổi nghề đã được triển khai thực hiện nhưng đạt hiệu quả chưa cao, thậm chí có mô hình đã thất bại sau một thời gian triển khai thí điểm. Nguyên nhân chủ yếu là phương thức chuyển đổi nghề, cơ chế chính sách của từng địa phương chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến hiệu quả chuyển đổi nghề trong khai thác hải sản, đặc biệt các nghề khai thác ven bờ triển khai còn chậm như: Bến Tre, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Nghệ An.

Việc chuyển đổi các nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nghề dịch vụ khai thác thủy sản, nghề cá giải trí, một số tỉnh ven biển đã bắt đầu phát triển nghề cá giải trí mang tính tự phát, đặc biệt là tại các khu bảo tồn biển hoặc các khu vực biển có cảnh quan và sinh cảnh tự nhiên. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, thời gian tới cần nghiên cứu, đánh giá, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp để tổ chức thực hiện, đảm bảo tính khả thi cao và có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế nghề cá của các vùng, miền.

Ông Vũ Duyên Hải đánh giá, hiện việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, lĩnh vực này đã bước đầu thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi ngành hàng. Tuy nhiên, phát triển ngành nuôi biển hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như quy định pháp lý, quy hoạch, hạ tầng, nhân lực có tay nghề cao, thị trường tiêu thụ và thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, đặc biệt thiếu chính sách thu hút, khuyến khích cộng đồng ngư dân khai thác thủy sản chuyển sang nghề nuôi trồng và dịch vụ nuôi trồng thủy sản trên biển.

Để giảm khai thác thủy sản, ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc sắp xếp chuyển đổi nghề là vấn đề đầu tiên. Tỉnh đã xây dựng hoàn thiện đề cương về chủ trương, sắp tới sẽ đấu thầu và triển khai các đề án của địa phương.

"Trăn trở lớn là cường lực khai thác. Số tàu của tỉnh vượt ở vùng bờ, nhưng thiếu ở vùng khơi. Ưu tiên của tỉnh là giảm tối đa số tàu ở vùng bờ. Để giải quyết, tỉnh ưu tiên cho phát triển du lịch, nên sẽ có khóa đào tạo cho ngư dân chuyển đổi", ông Lê Hữu Toàn cho biết.

Để đạt muc tiêu năm 2030, ông Vũ Duyên Hải cho rằng, địa phương không cấp Giấy chập thuận đóng mới cho tàu cá hoạt động khai thác ở các vùng biển; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng. Địa phương có các chính sách khuyến khích chuyển nghề và nhân rộng mô hình chuyển đổi sinh kế cho ngư dân khai thác thủy sản sang các sinh kế khác không tham gia trực tiếp vào hoạt động khai thác thủy sản.

Đó là phát triển nuôi trồng thủy sản; bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; xây dựng và nhân rộng mô hình chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển; đẩy mạnh triển khai mô hình bảo tồn biển gắn với du lịch khám phá, trải nghiệm...

Đỗ Hương