In bài viết

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, thông minh tại ĐBSCL

(Chinhphu.vn) - Dự án STAR-FARM được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

26/04/2024 10:22
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, thông minh tại ĐBSCL- Ảnh 1.

Nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp không hiệu quả đã được xây dựng xen kẽ các khu nghỉ dưỡng miệt vườn cho giá trị kinh tế cao hơn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 25/4, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo "Tham vấn kỹ thuật, triển khai dự án chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng giữa và ven biển khu vực ĐBSCL" (dự án STAR-FARM).

Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Theo đó, các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh hưởng lợi từ dự án, thời gian triển khai từ năm 2023 – 2027, với tổng vốn tài trợ 4,2 triệu Euro.

Tại hội thảo, Ban Quản lý dự án STAR-FARM nghe đại diện các viện, trường, tổ chức trong và ngoài nước, đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang…, trình bày nhiều ý kiến tham luận về những khó khăn, thách thức đối với sản xuất nông nghiệp do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Đại diện Tổ chức FAO cho rằng, hiện nay biến đổi khí hậu gây ra nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con vùng ĐBSC1. Để vượt qua, nông dân cần thay đổi tập quán và phương thức sản xuất. Dự án được triển khai là cơ hội để thực hiện điều đó. Hy vọng thông qua hoạt động khởi động này, ban quản lý dự án chọn ra những điểm phù hợp nhất để thực hiện dự án thông qua các tiêu chí.

Theo ông Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh, hiện quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ, manh mún, chất lượng sản xuất chưa đồng đều, chưa tập hợp được sản lượng lớn khi có yêu cầu.

Đồng thời việc nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân còn chậm, chưa có bước đột phá để tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm, liên kết chuỗi giá trị còn ít và chưa phổ biến. Tập quán, thói quen canh tác không bền vững, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, trong đó việc nông dân sử dụng lượng lớn hóa chất đầu vào như phân bón hóa học, thuốc BVTV và xâm nhập mặn đã và đang gây ra những thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Ông Sơn đề xuất dự án hỗ trợ tỉnh xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp về lúa – gạo và đậu phộng, nuôi bò thịt và tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển.

Ông Trần Thanh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp đề xuất hỗ trợ địa phương xây dựng giải pháp đổi mới nông nghiệp sinh thái và mô hình thực hành nông nghiệp sinh thái.

Đồng thời hỗ trợ thanh niên và phụ nữ tham gia dự án. Phổ biến các tiêu chuẩn sản xuất bền vững và phương pháp tiếp cận nông nghiệp sinh thái, xây dựng mô hình thực hiện các kế hoạch kinh doanh bền vững cho thành viên tham gia.

Đại diện của Ban Quản lý dự án STAR-FARM cho biết, việc lựa chọn địa điểm triển khai dựa trên một số tiêu chí như tính đặc trưng của vùng giữa và ven biển ĐBSCL, đa dạng của hệ thống nông nghiệp, cũng như sự dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, còn xem xét các yếu tố như dân tộc thiểu số trong cộng đồng, sự phát triển của chuỗi giá trị, các dự án liên quan đang được triển khai, sự tham gia của các tổ chức tư nhân, cũng như khu bảo tồn thiên nhiên và rừng ngập mặn.

Dự kiến, các chuyên gia, đại diện các tổ chức phối hợp cùng với chính quyền địa phương có các đợt khảo sát thực tế, chọn 10 địa điểm tại các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang để triển khai các hoạt động của dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp sinh thái khu vực ĐBSCL.

Trong đó, ít nhất 24 nhóm nông dân và HTX được hỗ trợ nâng cao năng lực về quản trị, sản xuất kinh doanh và tiếp cận thị trường. Hỗ trợ thành lập HTX của thanh niên, phụ nữ và người DTTS. Hỗ trợ 15 doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn tài chính xanh. Xây dựng 3 gói hỗ trợ nhằm phát triển các dự án nông nghiệp sáng tạo và mô hình nông nghiệp sinh thái. Xây dựng 3 mô hình cho các sản phẩm nông nghiệp sinh thái chủ lực, hỗ trợ 8 mô hình khởi nghiệp liên kết với các chuỗi giá trị bền vững.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT, yêu cầu các đơn vị thực hiện dự án có sự phối hợp xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng vùng giữa, vùng ven biển ĐBSCL. Đồng thới có kế hoạch phổ biến, nhân rộng các mô hình thích ứng với điều kiện khí hậu, thời tiết, phù hợp với tập quán sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân khu vực ĐBSCL.

Dự án tập trung ưu tiên nghiên cứu chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững; chuyển đổi sinh thái trong hệ thống sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, sức khỏe động vật, cây trồng, giảm thiểu suy thoái môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đỗ Hương