|
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Các trẻ em gái đã đưa ra những thông điệp: An toàn cho trẻ em gái là an toàn cho tất cả mọi người; không để trẻ em sinh ra trẻ em; chúng em không muốn lấy chồng ở tuổi đến trường... Các em cũng đề xuất cần xây dựng không gian, công trình vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em gái; tăng cường sự an toàn bằng cách lắp đặt thêm các camera giám sát tại các điểm vui chơi, giải trí; lắp thêm đèn chiếu sáng; in thông tin, số điện thoại của các đơn vị hỗ trợ trên bìa vở; xây dựng thêm nhiều diễn đàn để trẻ em có thể bày tỏ tiếng nói, nguyện vọng của mình...
Trong phiên đối thoại trực tiếp có 12 câu hỏi của trẻ em gái liên quan đến vấn đề xây dựng khu vui chơi an toàn cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái; biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi vấn đề xâm hại tình dục bởi những người trong gia đình; giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em khuyết tật khỏi vấn đề xâm hại tình dục; vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em được sinh ra bởi những bà mẹ trẻ em (đặc biệt ở miền núi); hỗ trợ để trẻ em tảo hôn được quay lại trường học; đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em trong nhà trường; cấp giấy khai sinh cho con của các cặp vợ chồng tảo hôn... được đưa ra và được đại diện các cơ quan của Quốc hội, bộ, ngành, đoàn thể lắng nghe, tiếp thu và giải đáp.
Đối với vấn đề xây dựng sân chơi cho trẻ em, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Ngọc Lương cho biết, trong nhiệm kỳ này, Hội đồng Đội Trung ương đặt chỉ tiêu xây mới ở mỗi xã, phường, thị trấn một điểm vui chơi, giải trí cho thiếu niên, nhi đồng. Hội cũng yêu cầu thực hiện đổi mới hoạt động của các Cung, Nhà thiếu nhi. Ông Nguyễn Ngọc Lương cũng khuyến nghị: Thiết chế văn hoá, các điểm vui chơi cho trẻ em vùng sâu, xa là hết sức quan trọng. Vì vậy cần đầu tư nhiều nguồn lực để đầu tư tốt hơn cho các em. Ngoài ra, Quốc hội, các cơ quan Nhà nước... cần cân đối thời lượng học tập để các em có nhiều thời gian vui chơi, giải trí. Vì thông qua những hoạt động này cũng giúp các em học tập được nhiều hơn.
Trả lời câu hỏi về những giải pháp của các cơ quan chức năng nhằm ngăn ngừa tình trạng trẻ em bỏ học và tạo điều kiện cho trẻ em tảo hôn được quay lại trường học. Trưởng ban Gia đình và Xã hội Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết Mai chia sẻ, thực trạng tỉ lệ học sinh tảo hôn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ rất cao. Để giải quyết vấn đề này, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã phối hợp với các bên liên quan thực hiện các chương trình truyền thông, xây dựng các mô hình nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bỏ học sớm và tảo hôn cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số...
Về vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ, các đại biểu đều cho rằng cần nâng cao nhận thức, khả năng tự bảo vệ, kỹ năng lên tiếng cho trẻ. Cha mẹ, người thân trong gia đình cần có sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn với con cái tới các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày...
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, điều quan trọng nhất là trẻ em cần biết mình phải làm gì trong những trường hợp cụ thể; quyền của trẻ em được quy định trong Luật như thế nào; Khi cần trợ giúp thì liên hệ với đơn vị nào?... Khi có vấn đề cần trợ giúp, các em có thể phản ánh nhanh nhất với các cơ sở Đoàn, Đội nơi mình sinh hoạt, học tập hay với cha mẹ. Ngoài ra, các em có thể liên hệ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Liên quan tới vấn đề tảo hôn, ông Bình cho rằng, nạn tảo hôn không chỉ do hủ tục hay cha mẹ bắt ép mà còn có một phần do nhận thức và sự tò mò của giới trẻ. Vì vậy, trước khi quyết định tảo hôn, các em cần suy nghĩ thật kỹ để giữ cho sức khoẻ lâu dài. Bởi việc tảo hôn không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của đứa trẻ sinh ra mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ của chính người mẹ.
PN