Ảnh minh họa |
Các địa phương cần nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu, tổ chức sản xuất có hiệu quả cao như: xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP; tiếp tục chỉ đạo và thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương; thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên kết giữa các doanh nghiệp, liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Về lâu dài, Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn như hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó có hạ tầng sản xuất; hỗ trợ về vốn đầu tư, cho vay ưu đãi… nhưng cần trực tiếp và hiệu quả hơn.
Do vậy, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao các bộ, ngành tổng kết, đánh giá các chính sách hiện có, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung chính sách mới phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới.
Bộ Tài chính nghiên cứu, thí điểm thành lập Quỹ hỗ trợ sản xuất (trước mắt đối với lúa gạo, cá, tôm) để hỗ trợ cho người sản xuất trong quá trình sản xuất và khi giá nông, thủy sản bị giảm sút do các yếu tố khách quan. Nguồn vốn hình thành Quỹ không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, cá tra, tôm
Thời gian qua, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn về thị trường và ảnh hưởng của thiên tai dịch bệnh, nền nông nghiệp nước ta vẫn tiếp tục có những bước phát triển nhanh và tương đối toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn ngành đạt 3,1%/năm. Giá trị sản xuất toàn ngành bình quân tăng 4,6%/năm. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp bình quân hằng năm chiếm từ 20-25% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp đáng kể vào giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của cả nước. |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về giảm tổn thất sau thu hoạch theo hướng hỗ trợ nông dân đầu tư một số loại máy móc, thiết bị nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được.
Về cá tra, tôm, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất; giám sát nuôi cá tra, tôm theo quy hoạch. Áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn dịch bệnh, môi trường. Tăng cường công tác thống kê, dự báo, thông tin về sản xuất và thị trường.
Ngoài ra, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan tích cực trao đổi với các bên thuộc thị trường nhập khẩu để tháo gỡ rào cản thương mại, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ký kết, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản.
Thanh Thi