Trước hết phải kể TP Vinh có vị trí giao thông thuận lợi là yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút khách. Bên cạnh đó, TP Vinh ở điểm giữa của 2 trung tâm du lịch lớn tầm quốc gia: Khu Di tích Kim Liên và khu nghỉ mát, tắm biển Cửa Lò. Vinh còn có thuận lợi là nhiều điểm tham quan lý thú. Hiếm thành phố của một tỉnh mà có tới 3 bảo tàng lớn như đây. Bảo tàng Quân khu Bốn, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và Bảo tàng Nghệ An (Riêng Bảo tàng Nghệ An có đến 17.000 hiện vật). Nếu tổ chức khéo thì tham quan 3 bảo tàng đã lưu khách thêm 1 ngày. Cũng là hiếm hoi trên địa bàn có một ngọn núi cao vừa phải có thể quan sát toàn bộ không gian thành phố như núi Quyết. Trên đó ngoài Vọng Đài ngắm cảnh quan toàn thành phố, khách còn được tham quan và dâng hương đền thờ Hoàng đế Quang Trung - vị anh hùng dân tộc mà các thế hệ người Việt Nam đều kính trọng. Hiện nay khách đến dâng hương tại đền thờ ngày một nhiều: năm 2008 là 19 vạn lượt người, năm 2010 lên 30 vạn và 5 tháng đầu năm 2011 đạt trên 15 vạn. Trên địa bàn và quanh khu vực còn có nhiều đền chùa nổi tiếng khác phục vụ nhu cầu tâm linh của khách như: đền Hồng Sơn, chùa Cần Linh. Thành cổ Vinh cũng được du khách tìm đến - một thành cổ xây dựng từ những năm 1804 (bằng đất), hiện vẫn còn 3 cổng thành; hơn nữa trong thành cổ hiện có 2 bảo tàng và khu phố ẩm thực đặc sản, tiện cho khách tham quan, thưởng thức đặc sản ẩm thực xứ Nghệ.
Đặc biệt, Thành phố Vinh còn có Quảng trường mang tên Bác gắn với Công viên Trung tâm - một cảnh quan có diện tích rộng đến 41 ha - nơi có tượng Bác Hồ bằng đá hoa cương cao 12 mét, nặng 200 tấn, một trong những bức tượng Bác lớn và đẹp nhất nước ta; Trên mô hình núi Chung là một rừng non cây xanh lưu niệm. Quảng trường và công viên vừa là Khu tưởng niệm thành kính vừa là nơi biểu diễn nghệ thuật và vui chơi giải trí của du khách. Theo thống kê, khách đến Quảng Trường năm cao nhất đến 3,2 triệu lượt người, với 5.215 đoàn khách trong nước và quốc tế.
Ngoài ra Vinh còn mở dịch vụ du lịch ven sông Lam, vãn cảnh Tràm chim Hưng Hòa và ngược lên Nam Đàn quê Bác. Chưa hết, các siêu thị; chợ Vinh - một chợ có nhiều sản vật đặc sản và mới đầu tư hiện đại - cũng là một nơi du khách có nhu cầu thăm thú. Tóm lại, Vinh có đủ các loại hình du lịch nếu được đầu tư lớn và biết cách làm kinh tế lĩnh vực này.
Những năm qua lãnh đạo Thành phố và tỉnh ta đã có nhiều đầu tư nhằm khai thác thế mạnh đó, nhất là từ khi thành phố được công nhận Đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Thực hiện Quyết định 239/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Vinh được đầu tư một số dự án về lĩnh vực du lịch như: đường du lịch nam núi Quyết (74,8 tỷ đồng) Hệ thống giao thông đô thị núi Quyết (51,4 tỷ đồng); đền thờ Hoàng đế Quang Trung (22,7 tỷ đồng) trùng tu cổng Thành cổ, nâng cấp 2 bảo tàng... tổng số vốn được đầu tư những năm qua đến hàng nghìn tỷ đồng. Hiện nay thành phố đang tiếp tục triển khai một số công trình thuộc hạ tầng du lịch và tôn tạo các di tích.
Số khách sạn nhà nghỉ phục vụ du lịch bằng nhiều nguồn vốn ở Vinh đã tăng lên rất nhanh cả số lượng và chất lượng: nếu năm 2010 có 120 cơ sở, thì năm nay lên 134. Trong đó, đã có 5 khách sạn "3 sao", 4 khách sạn "2 sao" số còn lại đủ tiêu chuẩn phục vụ khách trung bình. Năm 2010 tổng lượng khách du lịch lên 1.628 lượt người. Trung bình khách trong nước lưu trú tại thành phố đạt 2,4 ngày/người; khách quốc tế 1,8 ngày/người, (tăng 0,64% so với năm 2009). Tổng doanh thu tăng lên dần: nếu 2005 mới 97 tỷ đồng thì năm 2010 đã lên 256 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân trong 5 năm qua 21,4%). 5 tháng đầu năm nay, doanh thu cao hơn cùng kỳ năm trước 15%.
Thế nhưng nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế và nhất là trong kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XXII vừa qua vẫn cho rằng ngành du lịch Vinh còn bé nhỏ, chưa phát huy được thế mạnh tiềm năng. Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa XXI Đảng bộ nhận thấy khuyết điểm đó, nhất là mãi đến 2008 đề án số 4 về "phát triển du lịch" vẫn chưa triển khai (!) do vậy lãnh đạo TP giao cho bộ phận liên quan kiểm điểm, bổ khuyết ngay. Thành phố đã mạnh dạn nhìn thẳng vào hiện trạng chỉ ra những hạn chế: "công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch thành phố chưa rõ; chưa chỉ đạo quyết liệt các dự án, nhiều công trình xây dựng dở dang chưa phát huy tác dụng đầu tư. Công tác tuyên truyền quảng bá về tiềm năng du lịch của thành phố còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu thu hút khách hướng về Thành phố Vinh trong mùa du lịch.Việc tổ chức khai thác các điểm, các tour chưa thực hiện hiệu quả. Cụ thể như: công viên hồ cá Cửa Nam, du thuyền sông Lam; rừng bần chim Hưng Hòa...chưa có chiến lược xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng để phục vụ nhu cầu khách, tăng thêm doanh số thu. Chưa có phương án phát triển du lịch lữ hành nhằm thu hút khách ngoại tỉnh và khách nước ngoài. Việc liên kết với ngành du lịch tỉnh và địa phương lân cận chưa tốt. Nguyên nhân chính do đầu tư cho du lịch chưa tương xứng, và lực lượng cán bộ làm du lịch chưa chuyên nghiệp còn non và thiếu. Việc chuyển quản lý ngành du lịch từ phòng kinh tế sang "Phòng văn hóa thể thao, thông tin và du lịch", lại càng thiếu người chuyên trách.
Những yếu kém đó đến trước thềm đại hội Đảng thành phố khóa XXII vẫn chưa khắc phục được bao nhiêu. Đối chiếu với Quyết định số 324/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Điều chỉnh quy hoạch thành phố Vinh đến năm 2025" trong đó ghi rõ: "Thành phố Vinh phát triển theo hướng: du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp công nghệ cao; là trung tâm kinh tế Bắc Trung Bộ" thì Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ đã bổ sung: Đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch hơn nữa, tăng nhanh tỷ trọng giá trị gia tăng du lịch trong cơ cấu kinh tế. Mở rộng, phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch nhằm đa dạng hơn khách du lịch để Vinh trở thành trung tâm lưu trú và trung tâm phân phối khách du lịch của tỉnh và vùng bắc Trung Bộ. Muốn vậy sẽ tập trung phát triển du lịch lữ hành tạo sự đồng bộ trong sự cung cấp các dịch vụ du lịch; phát triển các loại hình du lịch theo các hướng du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, tâm linh, tham quan hội nghị hội thảo; xây dựng và phát triển các tuyến du lịch trong tỉnh, trong nước và quốc tế, hình thành và phát triển các cụm du lịch trong nước (cụm du lịch trung tâm Vinh - Kim Liên - Nam Đàn; cụm du lịch núi Quyết - Nguyễn Du - Ngã ba Đồng Lộc; cụm du lịch Tây nam; cụm du lịch Cửa Lò.v.v). Mặt khác, chú trọng đào tạo và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch; đầu tư nâng cấp cơ sở du lịch, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch ngày càng cao.
Không chỉ nêu ra được phương hướng đúng mà Thành phố Vinh đã có những chuyển động thực tế. Dù vốn còn khó khăn, Thành phố vẫn được tỉnh và Trung ương quan tâm và mạnh dạn vay, mạnh dạn động viên đóng góp của doanh nghiệp và toàn xã hội để đầu tư cho ngành công nghiệp không khói này. Riêng tổng mức đầu tư trong 5 năm tới đã ghi trong kế hoạch là 2.038 tỷ đồng. Ngoài đào tạo nguồn nhân lực, thành phố sẽ đầu tư Khu du lịch núi Quyết; Bến Thủy 400 tỷ đồng; Đường du lịch Nam sông Vinh 200 tỷ đồng; xây dựng Khu văn miếu Trường Thi 37 tỷ đồng; Phục dựng văn miếu Nghệ An 80 tỷ đồng; xây dựng trung tâm văn hóa thanh thiếu niên Nghệ An 75 tỷ đồng và xây dựng khách sạn Thanh Lịch - Quang Trung ( 4.720 m2 ) 30 tỷ đồng...
Tất cả nhằm có nơi vui chơi, tham quan đa dạng, nơi nghỉ dưỡng đàng hoàng cho khách, phấn đấu đến năm 2015 xây dựng 170 cơ sở lưu trú, (2 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao) đạt 3,4 triệu lượt khách, doanh thu toàn ngành 650 tỷ đồng, gấp đôi hiện nay.
Hoàng Chỉnh
Nguồn: Báo Nghệ An (12/6/2011)