In bài viết

Thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long

(Chinhphu.vn) - Ngày 26/2, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

27/02/2019 13:17

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ NN&PTNT

Phát biếu tại hội nghị, sau khi điểm lại những kết quả sản xuất, xuất khẩu lúa gạo năm 2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết năm 2019, sản lượng gạo cả nước dự kiến đạt 43,8 triệu tấn, tương đương năm 2018, đủ cho nhu cầu trong nước và kế hoạch xuất khẩu.Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu đang gặp khó khăn do thương mại gạo toàn cầu vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, từ cuối 2018 đến nay việc tiêu thụ gạo gặp một số khó khăn khi giá lúa vụ Đông Xuân 2018-2019 giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo tháng 1/2019 đạt 437.600 tấn với giá trị đạt 195,3 triệu USD, giảm 10,9% về khối lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm, các thị trường khác chưa nhiều khởi sắc. Nguyên nhân do nguồn cung dồi dào vì đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân, vụ lúa lớn nhất trong năm, trong khi đó các giao dịch xuất khẩu cũng ít hơn trong thời gian gần Tết Nguyên đán...

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao Bộ Tài chính thu mua đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 với lượng 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa. Cùng với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp, hiện ở ĐBSCL, giá lúa tươi tăng 200 đồng/kg, giá gạo nguyên liệu tăng 165 đồng/kg.

Để thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các đơn vị tham gia chuỗi lúa gạo vào cuộc quyết liệt, nhất là Tổng Công ty Lương thực miền Nam cần đẩy mạnh thu mua, chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ lúa gạo nội địa. Về lâu dài, các đơn vị trong chuỗi lúa gạo cần rà soát lại quy mô sản xuất lúa gạo hàng năm của các địa phương, trong đó tập trung vào 3 mũi nhọn: liên kết, chế biến và thị trường để tạo ra những giá trị mới cho các sản phẩm nông nghiệp.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết chủ trương chung của ngành ngân hàng là sẽ tiếp tục đồng hành với các bộ ngành, địa phương trong việc bảo đảm nguồn vốn cho lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động tiếp cận các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp; trong đó xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục xem xét cho vay mới để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp lúa gạo, đồng thời xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua lúa gạo cho người nông dân trong vụ Đông Xuân năm nay nhằm giúp giá lúa gạo không bị giảm sâu, bảo đảm lợi nhuận cho người trồng lúa;

Các ngân hàng thương mại cần tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo.

Tại hội nghị, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay đối với sản xuất, thu mua, tiêu thụ lúa gạo với lãi suất 6%/năm.

(nguồn: Bộ NN&PTNT, NHNN)