In bài viết

Thúc đẩy tổng cầu, ổn định vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng

(Chinhphu.vn) – Ngày 17/4, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo Công bố ấn phẩm thường niên “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”.

17/04/2024 18:40
Thúc đẩy tổng cầu, ổn định vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng- Ảnh 1.

Các chuyên gia trao đổi tại Tọa đàm - Ảnh: VGP

Bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, tổng cầu ảnh hưởng

Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng NEU, tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 vẫn còn kém hơn nhiều so với giai đoạn trước Covid-19, trong đó, nổi bật nhất là sự suy yếu của tổng cầu và các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng (TD) và đầu tư (ĐT), cùng với chất lượng tăng trưởng không được cải thiện.

Dẫn các số liệu, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương phân tích: Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong năm 2023 theo giá hiện hành chỉ tăng 6,2% so với năm trước (năm 2022 tăng 11,2%). Trong vốn ĐT của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 chỉ đạt 85,3% kế hoạch năm, và tăng 21,2% so với năm trước. Vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước chỉ tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,9% trong năm 2022. Tương tự, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2023 chỉ tăng 5,4% (năm 2022 tăng 13,9%). Bên cạnh đó, động lực chi tiêu cũng có xu hướng suy giảm.

Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm ảnh hưởng đến đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, đặt ra yêu cầu về phục hồi tổng cầu, tạo tiền đề phát triển trong bối cảnh mới. 

Chuyên gia Tô Trung Thành có cùng quan điểm là Chính phủ tập trung nhiều hơn vào các chính sách trọng cầu, giải quyết khó khăn cho khu vực DN, gia tăng giải ngân và chất lượng vốn đầu tư công (ĐTC). Chính phủ cần tiếp tục kích thích tiêu dùng tư nhân bằng việc ổn định vĩ mô, điều chỉnh thuế thu nhập, tăng tính lành mạnh các thị trường tài sản và đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội (ASXH). Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tận dụng khu vực FDI để đẩy mạnh xuất khẩu cũng là giải pháp cần chú trọng.

"Về dài hạn, ngoài đầu tư công, cần đẩy mạnh cải thiện môi trường ĐT, khơi thông lại nguồn lực ĐT tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất…", GS.TS Tô Trung Thành lưu ý.

Nhìn chung, các chuyên gia nhận định, năm 2024, kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với nhiều tác động bất ổn, khó lường và tiêu cực từ kinh tế thế giới. Tác động từ sự suy giảm và bất ổn của nền kinh tế thế giới dồn nén từ đại dịch COVID-19 cho tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam, ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn.

Thúc đẩy tổng cầu, ổn định vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng- Ảnh 2.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - Ảnh: VGP

Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ DN, người dân, giảm thiểu rủi ro

Nhóm tác giả làm báo cáo kinh tế nêu một số khuyến nghị để thúc đẩy tổng cầu, cần tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn ĐTC, trong đó chất lượng và hiệu quả ĐTC là then chốt, trọng tâm ĐTC là cơ sở hạ tầng, các dự án công trình giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, phát triển nhà ở xã hội và trường học. Bên cạnh đó, cần đặt đúng khu vực tư nhân là động lực quan trọng (tạo môi trường đầu tư thuận lợi; Hỗ trợ tiếp cận các nguốn lức như đất đai, tín dụng, công nghệ mới; giảm thiểu tối đa thuế, các loại phí…)

Để kích cầu tiêu dùng, cần gia tăng trợ cấp an sinh xã hội (ASXH) cho người nghèo; nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm thuế suất thuế thu nhập DN; giảm thuế GTGT hàng thiết yếu nội địa để tăng nhu cầu chi tiêu; tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương nhằm kích thích tiêu dùng góp phần tăng tổng cầu..

Để phát triển thương mại quốc tế, cần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa và ngành sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để gia tăng GTGT; Khai thác cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước thành viên khác; Rà soát và ban hành tiêu chuẩn khung pháp lý về sản xuất xanh…

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết: Chính phủ đã có các Nghị quyết 01/NQ-CP về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Quan trọng là cần thực thi tốt, quyết liệt các chủ trương sẽ tháo gỡ các rào cản, giải phóng nguồn lực lớn. Trong đó, cần giải phóng được các nguồn lực đất đai, chuyển đổi năng lượng, xanh hóa.

Thúc đẩy tổng cầu, ổn định vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng- Ảnh 3.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia - Ảnh: VGP

Đặc biệt chú trọng phối hợp chính sách bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh thế giới quá nhiều biến động.

Có cùng quan điểm, PGS TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia kinh tế lưu ý thêm, đầu tư công là cần thiết nhưng cần chú ý hơn tới cơ cấu. Không chỉ đầu tư mới các dự án mà còn phải quan tâm đế việc duy tu, bảo dưỡng, tăng hiệu quả các công trình như đường xá, trường học bệnh viện đã có, có thể nâng lên đến mức khoảng 10% chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cho hoạt động giáo dục, hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học...

Phân tích cụ thể về DN tư nhân, ông Phan Đức Hiếu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu số liệu một khảo sát của DN gần đây đã phản ánh khó khăn lớn nhất là đơn hàng, dòng tiền, thủ tục hành chính, nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế, rủi ro trong hoạt động kinh doanh, sau đó mới là tiếp cận vốn...

Chuyên gia Phan Đức Hiếu đồng tình với quan điểm, Chính phủ không chỉ cải cách thủ tục hành chính và cải cách thể chế, mà chú ý hơn đến cắt giảm chi phí tuân thủ, đây là điểm quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Riêng về vấn đề rủi ro khi thực thi chính sách, chuyên gia Phan Đức Hiếu cho rằng: Với các quy định chưa rõ hoặc có các cách hiểu khác nhau, nên để cho DN áp dụng theo hướng có lợi nhất cho mình, để giảm thiểu rủi ro cho DN. 

Chia sẻ kinh nghiệm về thử nghiệm thể chế, chuyên gia Phan Đức Hiếu nêu giải pháp để tránh khắc phục tính không sát thực tiễn của một số quy định, thì ngoài các quy định pháp luật thông thường, nên mạnh dạn cho DN hoặc hội ngành nghề tự ban hành quy tắc hoạt động.

"Các quy tắc này đăng ký với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi đó sẽ thực thi trong quy định. Có thể thử nghiệm với một số ngành nghề rủi ro chính sách cao, hoặc tính phổ quát DN không lớn, trước khi áp dụng rộng rãi chính thức hơn", chuyên gia Phan Đức Hiếu gợi ý.

Anh Minh