Theo Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia, sau 10 năm triển khai, chữ ký số đã góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan..., đặc biệt lĩnh vực thuế, gần 100% doanh nghiệp đã thực hiện các thủ tục qua mạng sử dụng chữ ký số.
Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia cho biết, hiện nay trên thị trường có 10 nhà cũng cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số có giấy phép, trong đó có 9 giấy phép đang hoạt động, 1 giấy phép đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.
Tính đến ngày 30/6/2018, hơn 2 triệu chữ ký số đã được cấp, nhưng đang hoạt động chỉ hơn 1 triệu cho 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Chữ ký số hiện nay sử dụng chủ yếu tại các doanh nghiệp ở 3 lĩnh vực chính là kê khai thuế, hải quan, và bảo hiểm xã hội.
“Số lượng thuê bao chữ ký số cá nhân còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 1% tổng chữ ký số được cấp phát và chỉ tập trung ở một số ứng dụng nội bộ”, ông Phạm Quốc Hoàn cho biết.
Cũng theo ông Phạm Quốc Hoàn, khó khăn hiện nay của việc chấp nhận chữ ký số một cách rộng rãi là việc thay đổi thói quen ký bằng tay đã kéo dài hàng trăm năm nay, do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế (do truyền thông về chữ ký số chưa tốt), do sự phức tạp của công nghệ chữ ký số và do chi phí sử dụng chữ ký số hiện nay còn chưa hợp lý khi nhiều cá nhân tham gia chứng thực chữ ký số. Đặc biệt, tính an toàn và bảo mật của chữ ký số sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc chấp nhận rộng rãi.
Cũng tại hội nghị, ông Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cho biết, người dân hiện nay đa số sử dụng điện thoại di động là smartphone, vì vậy cần thiết phải thực hiện chứng thực số cá nhân trên nền tảng di động thì mới phát triển được thị trường này, đồng thời tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân khi tham gia chứng thực chữ ký số.
Ngay trong năm 2019, Câu lạc bộ sẽ tập trung triển khai chữ ký số cho khách hàng cá nhân sử dụng trên các thiết bị di động. Hiện nay, các doanh nghiệp đã sẵn sàng về giải pháp và công nghệ, ông Ngô Tuấn Anh cho biết.
Về vấn đề này, ông Phạm Quốc Hoàn nhấn mạnh, ngay trong quý I/2019, Trung tâm sẽ hoàn thiện đầy đủ các văn bản pháp lý để tạo điều kiện thật sự thuận lợi cho việc triển khai mở rộng chữ ký số trên nền tảng di động.
Đặc biệt, thời gian tới, Trung tâm sẽ ban hành quy chuẩn về cung cấp các dịch vụ chữ ký số trên nền tảng di động gì đối với cả doanh nghiệp và cá nhân. Riêng tính bảo mật của việc chứng thực chữ ký số, ông Phạm Quốc Hoàn chia sẻ, Trung tâm sẽ tham khảo các tiêu chuẩn đảm bảo tính an toàn và bảo mật thông tin của thế giới như tiêu chuẩn ITU của thế giới, NIST của Mỹ, ETSI của châu Âu, nhằm đảm bảo tính an toàn của dịch vụ này.
Ngay sau hội nghị, các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số tại Việt Nam đã ký kết hợp tác phối hợp triển khai công nghệ chữ ký số trên nền tảng di động, dưới sự chứng kiến của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông. Đại diện các doanh nghiệp cũng đã đề xuất, kiến nghị tới lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác quy hoạch để phát triển bền vững thị trường chữ ký số, liên thông hệ thống chứng thực số quốc gia với hệ thống quốc tế, xây dựng hệ thống xác thực thời gian chuẩn...
Hiền Minh