In bài viết

Thúc đẩy vận tải xuyên biên giới tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN

(Chinhphu.vn) - Tin từ Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm tham dự Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN lần thứ 29 tại Lào, thống nhất nhiều nội dung quan trọng thúc đẩy hợp tác giao thông vận tải trong khu vực.

10/11/2023 16:30
Thúc đẩy vận tải xuyên biên giới tại Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN - Ảnh 1.

Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN lần thứ 29 tại Lào

Trong hai ngày 9, 10/11, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN (ATM) lần thứ 29 được tổ chức tại Luang Prabang, CHDCND Lào.

Hội nghị ATM lần thứ 29 được tổ chức sau Hội nghị Quan chức cấp cao giao thông vận tải ASEAN lần thứ 56 (STOM 56) và các cuộc tham vấn với các đối tác đối thoại được tổ chức vào ngày 7, 8/11/2023.

Tại phiên toàn thể, các bộ trưởng cân nhắc và thông qua báo cáo của các hội nghị STOM 55 tổ chức tháng 6/2023 tại Viêng Chăn, Lào và và STOM 56 vào tháng 11/2023 tại Luang Prabang, Lào.

Biên bản ghi nhớ về Phát triển mạng lưới đường bộ ASEAN

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, Việt Nam thống nhất với 7 đề xuất của cấp STOM và cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các quốc gia thành viên và Ban Thư ký ASEAN để triển khai hiệu quả các hoạt động này.

Đối với Biên bản ghi nhớ về Phát triển mạng lưới đường bộ ASEAN, Việt Nam đang khẩn trương triển khai các thủ tục nội bộ để có thể ký kết trong thời gian sớm nhất, dự kiến trong tháng 11/2023. 

Kết thúc phiên toàn thể, các bộ trưởng đã thống nhất ra Tuyên bố chung.

Theo đó, để tiếp tục đẩy mạnh thị trường hàng không chung ASEAN, hội nghị thông qua Kế hoạch tổng thể về cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động ASEAN (ấn bản thứ ba) nhằm đạt được mục tiêu về quản lý không lưu thông suốt. Bao gồm: mục tiêu an toàn, khả năng tương tác, tính hài hòa, môi trường, năng lực và hiệu quả cũng như tăng cường bầu trời ASEAN thông suốt làm tiền đề cho việc hình thành thị trường hàng không chung ASEAN. 

Hội nghị kêu gọi các nước thành viên ASEAN tiếp tục hợp tác chặt chẽ để triển khai thành công Kế hoạch Tổng thể về cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động ASEAN (ấn bản thứ ba).

Cải thiện cơ sở hạ tầng xe điện trong khu vực

Về cải thiện cơ sở hạ tầng xe điện trong khu vực, hội nghị đã thông qua Khuyến nghị chính sách cải thiện cơ sở hạ tầng và trạm sạc xe điện (EV) trong ASEAN, trong đó đưa ra hướng dẫn phát triển cơ sở hạ tầng sạc cho xe điện và cơ sở hạ tầng phụ trợ, bao gồm các thiết bị sạc điện và thiết bị cung ứng cho xe điện.

Đối với tăng cường kết nối phương tiện đường bộ, các trưởng đoàn hội nghị ATM đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về Phát triển mạng đường bộ ASEAN (AHN), trong đó cập nhật các tuyến đường bộ ASEAN và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sửa đổi các tuyến đường cũng như tiêu chuẩn thiết kế đường bộ cho các nước thành viên ASEAN trong tương lai.

Tạo thuận lợi cho vận tải xuyên biên giới

Nhằm tăng cường tạo thuận lợi cho vận tải xuyên biên giới và đa phương thức đối với hàng hóa, hội nghị hoan nghênh việc phê chuẩn đầy đủ Nghị định thư số 6 (về đường sắt biên giới và nhà ga trung chuyển) của Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAFGIT). Theo đó, hoàn tất việc phê chuẩn các nghị định thư trong AFAFGIT vốn đã có hiệu lực đối với tất cả các quốc gia thành viên ASEAN.

Hội nghị ghi nhận những tiến bộ tích cực trong việc triển khai AFAFGIT thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) ở 6 quốc gia thành viên tham gia cũng như triển khai thí điểm Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức (AFAMT) đang diễn ra ở bốn quốc gia thành viên ASEAN, bao gồm Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Để thúc đẩy năng lực chuỗi cung ứng hàng hải, hội nghị đã thông qua Hướng dẫn về cảng thông minh, được xây dựng để đo lường và phân tích chỉ số hiệu suất cảng thông minh (SPPI) cho 14 cảng mạng lưới ASEAN.

Cùng với đó, thông qua Khuyến nghị tăng cường khả năng sẵn sàng của khu vực cho khủng hoảng trong tương lai, bao gồm các khuyến nghị và bài học kinh nghiệm trong đại dịch COVID-19 để thúc đẩy khả năng hoạt động liên tục của các cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thay thế thuyền viên và hồi hương.

Tuyên bố chung cũng nêu kết quả và tiến trình hợp tác với các đối tác đối thoại như New Zealand, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ.

Hội nghị thống nhất tổ chức Hội nghị Bộ trưởng GTVT (ATM) lần thứ 30 tại Malaysia vào năm 2024.

Bên lề hội nghị ATM29, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đã có các cuộc gặp song phương, làm việc với các đối tác của Việt Nam.

Thúc đẩy vận tải xuyên biên giới tại Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm và Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào Ngampasong Muongmany thống nhất thúc đẩy các hợp tác, dự án giữa hai bên

Dành 20 suất học bổng tại Học viện hàng không Việt Nam cho sinh viên Lào

Tại cuộc gặp song phương với Bộ Công chính và Vận tải Lào, hai bên đã bàn thảo về các nội dung nhằm thúc đẩy hợp tác. Theo đó, thống nhất rà soát lại các nội dung của Hiệp định và Nghị định thư về vận tải đường bộ Việt Nam - Lào để bổ sung, sửa đổi nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Lào.

Liên quan đến Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác đào tạo trong lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT Việt Nam đã giao Cục Hàng không Việt Nam chủ trì phối hợp với Cục Hàng không Lào triển khai các nội dung tại MOU đã ký. Hằng năm, Học viện Hàng không Việt Nam sẽ dành 20 suất học bổng cho các học viên Lào để đào tạo tại học viện.

Hai bên cũng bàn về các dự án mà Chính phủ hai nước ưu tiên quan tâm nhằm thúc đẩy triển khai dự án như: Tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn; dự án hợp tác đầu tư tại bến 1, 2, 3 cảng Vũng Áng; dự án đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng...

Đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ triển khai xây cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh

Tại cuộc gặp song phương với ông Kang Hee-up, Thứ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông & Du lịch Hàn Quốc (MOLIT), Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và ngày càng phát triển giữa hai nước, hai Bộ. 

Hàn Quốc là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai cho ngành GTVT Việt Nam.

Từ năm 1996, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu hỗ trợ nguồn vốn cho Việt Nam để phát triển cơ sở hạ tầng GTVT. Tới nay, hai bên đã phối hợp hoàn thành 8 dự án với tổng giá trị hơn 1,1 tỷ USD, trong đó có các dự án lớn như: Dự án cầu Vĩnh Thịnh, Dự án Hệ thống ITS cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Dự án Hành lang ven biển phía Nam, Dự án xây dựng cầu Vàm Cống…

Thứ trưởng đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ triển khai một số dự án trong giai đoạn 2021-2025, bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, Dự án xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; Xem xét tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng tại Việt Nam sử dụng nguồn vốn Quỹ xúc tiến hợp tác kinh tế (EDPF).

Hai bên đã bàn thảo những lĩnh vực có thể hợp tác trong thời gian tới: Việc giảm phát thải khí carbon trong lĩnh vực GTVT và hợp tác trên nhiều lĩnh vực bao gồm xe điện, cơ sở hạ tầng trạm sạc; kết nối hàng không...

Thúc đẩy vận tải xuyên biên giới tại Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN - Ảnh 4.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm và ông Brian Mc Feeters, Phó Đại sứ, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) trao đổi về hợp tác lĩnh vực ATGT, giao thông xanh

Cũng tại ATM29, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đã có cuộc làm việc với ông Brian Mc Feeters, Phó Đại sứ, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC).

Hai bên đã trao đổi các nội dung cùng quan tâm như: Phát triển quy định và tiêu chuẩn ATGT đường bộ để phù hợp với tiêu chuẩn ATGT đường bộ toàn cầu; Chiến lược ASEAN về trung hòa carbon (ASCN) và phát triển, kết nối cơ sở hạ tầng giao thông "xanh"; Hỗ trợ cho ngành hàng không, đặc biệt là trong các lĩnh vực an toàn hàng không, quản lý không lưu với việc xây dựng năng lực, an toàn, chất lượng, đào tạo bền vững và các hoạt động khác...

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề nghị các doanh nghiệp USABC tiếp tục đóng vai trò cầu nối giữa Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ với Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; tiếp tục mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực GTVT, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu.

Phan Trang