Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, việc cửa khẩu Móng Cái-Đông Hưng mở cửa thời gian qua là tin vui cho doanh nghiệp và các cơ quan 2 nước Việt Nam-Trung Quốc.
Bộ NN&PTNT và Đại sứ quán Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn nhằm thông tin kịp thời tình hình mở cửa, thúc đẩy xuất khẩu giao thương giữa 2 nước. Đây là sự kiện thứ ba trong chuỗi sự kiện trực tuyến trước đó đã được tổ chức tại Lào Cai và Lạng Sơn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: "Gần đây, các doanh nghiệp 2 nước đã tập trung ở cửa khẩu Móng Cái-Đông Hưng để tìm bạn hàng, ký kết hợp đồng vì đây là cửa khẩu quan trọng trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng thủy sản của cả Việt Nam và Trung Quốc. Chính vì vậy, hai nước phối hợp để tạo điều kiện thúc đẩy thông thương hàng hóa sau khi dịch COVID-19 đã lắng xuống và sau khi cửa khẩu hoạt động trở lại bình thường là điều kiện rất cần thiết".
Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, diễn đàn này có vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động giao thương giữa Việt Nam–Trung Quốc nói chung và thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thực phẩm nói riêng sau thời gian diễn ra đại dịch COVID-19. Đồng thời, cụ thể hóa "Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, riêng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh đạt trên 5,6 tỷ USD, trong đó các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đạt gần 1,1 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 20% trong kim ngạch xuất khẩu. 2 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu đạt 663 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu qua địa bàn tỉnh năm 2022 đạt trên 10,4 tỷ USD.
Thời gian tới, tỉnh sẽ có trách nhiệm lớn đối với các địa phương, các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; thị trường xuất khẩu lớn thứ ba đối với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản.
Một số nhóm mặt hàng như thủy sản, trái cây, cà phê của Việt Nam đều nằm trong số 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Trung Quốc; nhiều mặt hàng như cá tra, cá basa, cá mực, thanh long, vải, hạt điều chiếm thị phần gần như tuyệt đối về khối lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu.
Thời gian qua, lượng hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua lối thông quan này đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 60%/năm. Riêng năm 2021 lượng hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu đạt xấp xỉ 1 triệu tấn, tăng 157% so cùng kỳ năm 2020; 2 tháng đầu năm 2023 đạt 116.275 tấn tăng 122% so cùng kỳ 2022.
Theo bà Ngọc, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng "chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập"; tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu; đẩy nhanh thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu quy định của nước bạn.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: "7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất gồm tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất với tỉ lệ 24% khối lượng, 41% giá trị. Sản phẩm thủy sản đông lạnh chiếm 93% khối lượng và 89% giá trị nhập khẩu".
Thông tin thêm về thương mại thủy sản Việt Nam-Quảng Tây, theo đại diện VASEP, Quảng Tây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang. Cụ thể, Quảng Tây chiếm 6% khối lượng và 11% giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Trung Quốc. Năm 2022, nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Quảng Tây đạt 28.400 tấn, trị giá gần 190 triệu USD. Việt Nam là nguồn cung thủy sản số 1 cho Quảng Tây khi chiếm 69% khối lượng và 75% giá trị của tỉnh bạn.
Từ những tiềm năng, thuận lợi đó, nhiều ý kiến đề xuất các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương với các doanh nghiệp, địa phương của Trung Quốc. Cùng với đó là các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đỗ Hương