Thực hiện nghiêm các quy định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, năm 2022, mặc dù trong bối cảnh còn khó khăn, thách thức lớn, nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự giám sát, đồng hành và phối hợp của Quốc hội; sự chỉ đạo quyết liệt, điều hành các chính sách vĩ mô kịp thời, đồng bộ, bám sát tình hình thực tiễn, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tin tưởng ủng hộ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đất nước ta đã đạt được những kết quả rất tích cực trên hầu hết các lĩnh vực được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trong bối cảnh đó, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực KT-XH. Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong THTK, CLP.
Trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch điều hành phù hợp với tình hình thực tế; quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực nhằm huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả các nguồn lực đẩy nhanh quá trình phục hồi KT-XH, phát triển bền vững; thực hiện nghiêm các quy định của Luật THTK, CLP.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về THTK, CLP của Chính phủ năm 2022 nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2022.
Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2022 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Lũy kế từ năm 2016 đến ngày 31/12/2022, cả nước đã mua mới 4.192 xe ô tô công, 183 phương tiện vận tải khác và 29.853 máy móc, thiết bị. Cơ sở Dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả, tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật là 1,7 triệu tỷ đồng.
Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Cả nước có 74.759 căn, nhà (phòng) công vụ với tổng diện tích là 2,3 triệu m2.
Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, cả nước đã thực hiện chuyển dịch gần 20 nghìn ha đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp; kiểm tra xử lý thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích hơn 10.000 ha.
Công tác thẩm định, giải quyết hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản luôn bám sát và tuân thủ quy định của pháp luật; nguồn thu từ khai thác khoáng sản năm 2022 là 4.115 tỷ đồng. Tăng cường giám sát môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố ô nhiễm môi trường cao; 91% khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động; 90,5% khu công nghiệp có hệ thống quan trắc nước thải tự động.
Trong năm 2022, ngành thanh tra cả nước đã triển khai 8514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 85.998 tỷ đồng, 8.777 ha đất; kiến nghị thu hồi về NSNN 26.654 tỷ đồng và thu hồi 574 ha đất. Tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.371 kết luận thanh tra và các quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 3.440 tỷ đồng, 32 ha đất; xử lý hành chính đối với 4.052 tổ chức, 9.297 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 132 vụ, 181 đối tượng…
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 để tiếp tục nâng cao hiệu quả, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác THTK, CLP.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai, thực hiện Nghị quyết và đạt được kết quả tích cực, trong đó đã thực hiện rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để hoàn thiện chính sách, pháp luật, trong đó nhiều quy định liên quan đến THTK, CLP, các định mức, tiêu chuẩn chế độ; thực hiện triệt để tiết kiệm chi NSNN; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn NSNN, tài sản công, đất đai, khoáng sản; kiên quyết thu hồi đất đã giao nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích; thực hiện sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, ngành...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là: "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả"; tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.
Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp tục cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách; tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng Chính phủ số…Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể THTK, CLP năm 2023; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo THTK, CLP tại các bộ, ngành, địa phương.
Đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong công tác THTK, CLP
Thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) khẳng định cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong THTK, CLP năm 2022. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều quan tâm cho công tác xây dựng thể chế; chất lượng các dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được nâng lên.
Thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP, nhất là trong quản lý, sử dụng NSNN; tiếp tục triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt xử lý, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án chậm tiến độ, lãng phí, kém hiệu quả. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; sắp xếp, tổ chức lại, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ủy ban TCNS cũng khẳng định, THTK, CLP trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến, xu hướng chung của năm 2022 là tiết kiệm chi tiêu để có tích lũy. Ở nhiều địa phương, lễ hội được tổ chức lành mạnh, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số nhân dân.
Nguyễn Hoàng