Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 4 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước (NSNN).
Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng bổ sung cho các địa phương 936,5 tỷ đồng kinh phí phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch. Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 27,19 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tăng cường công tác kiểm soát chi NSNN đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, đồng thời, chủ động quản lý, điều hành, sử dụng ngân quỹ nhà nước đảm bảo an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi của ngân sách các cấp.
Thông qua công tác kiểm soát chi, trong 4 tháng đầu năm, hệ thống KBNN đã đề nghị các đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thiện, bổ sung hồ sơ thanh toán theo quy định 438.410 món chi với tổng số tiền 52.459 tỷ đồng. Số thực từ chối thanh toán là 2.327 món chi với tổng số tiền 159 tỷ đồng.
Đặc biệt, để nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính nhà nước, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ NSNN, trong 4 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện 15.394 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 308.775 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính trên 13.292 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách trên 3.478 tỷ đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác 8.852 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính trên 961,9 triệu đồng); số tiền đã thu hộp ngân sách trên 2.359 tỷ đồng.
Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Đáng chú ý, trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, qua tổng hợp số liệu báo cáo của 112 đơn vị, tính đến hết năm 2021, cả nước có 85.020 dự án đã hoàn thành cần thực hiện thủ tục quyết toán vốn đầu tư công theo quy định với giá trị tổng mức đầu tư được duyệt trên 1.709.426 tỷ đồng. Thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, cơ quan thẩm tra quyết toán ở các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tập đoàn, tổng công ty đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán 9.399 tỷ đồng, chiếm 2,5% tổng giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán.
Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 4/2022, Bộ Tài chính tiết kiệm kinh phí hoạt động thường xuyên 5,8 tỷ đồng, gồm: chi hoạt động 5,4 tỷ đồng; tiết kiệm mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc 412 triệu đồng.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính tiết kiệm kinh phí hoạt động thường xuyên 68 tỷ đồng, gồm: chi hoạt động quản lý hành chính 67 tỷ đồng; tiết kiệm mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc 978 triệu đồng.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Chính phủ đề ra, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức điều hành dự toán NSNN chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách. Tiếp tục cải cách công tác kiểm soát chi NSNN theo hướng thống nhất quy trình, tập trung đầu mối kiểm soát và thanh toán các khoản chi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát chi, quản lý thu NSNN.
Đồng thời, Bộ sẽ rà soát, ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở cho việc xác định giá dịch vụ sự nghiệp công. Đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cùng với đó, Bộ tiến hành rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Ban hành kịp thời tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...
VH