In bài viết

Thực hiện cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm

(Chinhphu.vn) - Bộ Công Thương vừa có chỉ thị Sở Công Thương chủ động phối hợp rà soát cân đối cung cầu, tham mưu cho UBD tỉnh xây dựng danh mục hàng hóa, phương án hỗ trợ vốn vay dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết.

10/10/2012 14:37

Ảnh minh họa
Trong đó, Bộ Công Thương cũng lưu ý thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường; có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa chương trình bình ổn thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia chương trình không cần hỗ trợ vốn vay từ ngân sách nhà nước.

Sở Công Thương các địa phương cần đôn đốc và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu dân cư đông, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa… nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

Bộ cũng yêu cầu các Sở Công Thương kết hợp với các chương trình bình ổn và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng bị thiệt hại do thiên tai với giá cả hợp lý.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, có biện pháp kiểm soát hoạt động phân phối, thu mua hàng hóa nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu của thương nhân nước ngoài gây xáo trộn thị trường trong nước; tăng cường kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chất lượng sản phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.

Doanh nghiệp cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng

Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, Bộ Công Thương đề nghị rà soát, đánh giá cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm tiến độ sản xuất, nhập khẩu, thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết.

Đồng thời, tích cực kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí để giảm giá thành, giảm áp lực tăng giá hàng hóa; củng cố và phát triển hệ thống phân phối, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, khơi thông đầu ra cho sản phẩm để tiêu thụ.

Bộ cũng yêu cầu các đơn vị trên giám sát chặt chẽ công tác bán hàng, giảm bớt các khâu trung gian nhằm đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng với giá bán hợp lý; tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong ngành trong việc cung ứng và tiêu thụ sản phẩm của nhau.

Các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần thực hiện việc cung ứng các mặt hàng chính sách cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa một cách đầy đủ trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013.

Thanh Hoài