In bài viết

Thực hiện dân chủ cơ sở phải thực chất, cụ thể

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nhấn mạnh yêu cầu này trong cuộc làm việc giữa Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo và Tỉnh ủy Bến Tre, chiều 18/8.

18/08/2017 17:41

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc giữa Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo và Tỉnh ủy Bến Tre. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng khẳng định mọi chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận nói chung, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nói riêng, cuối cùng đều nhằm xây dựng Đảng, chính quyền tốt hơn, phát triển kinh tế-xã hội, để người dân được thực hiện quyền làm chủ, có đời sống tốt hơn.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, đồng chí Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, tỉnh chọn năm 2017 là “Năm hành động”. Các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn chặt chẽ với phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, phong trào thi đua "Dân vận khéo", chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp, các ngành thường xuyên được kiện toàn, phối hợp đồng bộ, nắm sâu vấn đề dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kịp thời biểu dương, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, gương điển hình tiên tiến ở cơ sở.

Theo định kỳ, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương trực tiếp đối thoại với nhân dân, phát huy vai trò nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Đến tháng 6/2017, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đã có 3 cuộc đối thoại với nhân dân huyện Bình Đại; với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh; với thanh niên, công nhân lao động. Cấp huyện đã tổ chức 5 cuộc đối thoại; cấp xã tổ chức 68 cuộc đối thoại.

Nhiều cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện tốt hơn để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội như tại huyện Châu Thành có 34 cuộc giám sát, huyện Mỏ Cày Bắc 61 cuộc, Mỏ Cày Nam 76 cuộc, Bình Đại 74 cuộc, thành phố Bến Tre 197 cuộc.

Tại các xã, phường, thị trấn, người dân được thông tin đầy đủ nhiều nội dung liên quan đến xây dựng nông thôn mới, vay vốn sản xuất, giảm nghèo, mức thu các loại quỹ do dân đóng góp… Tham gia thực chất vào các cuộc tọa đàm để bàn và có ý kiến về những vấn đề liên quan đến phương án phát triển sản xuất, đền bù, giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án trên địa bàn. Đáng chú ý, có những việc người dân đã bàn và quyết định trực tiếp từ việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, quy ước ấp, khu phố đến xây dựng công trình phúc lợi, công cộng, vệ sinh môi trường…

Các thiết chế dân chủ cơ sở như tổ nhân dân tự quản, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải được kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động, 986/986 ấp, khu phố đã bổ sung quy ước gắn với việc tuyên truyền, vận động, phát huy quyền làm chủ của người dân. Toàn tỉnh Bến Tre đã tổ chức 530 cuộc tọa đàm tại ấp về xây dựng nông thôn mới, huy động 105 tỷ đồng, phát triển 3.872 mô hình “dân vận khéo”.

Trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện ở 463/463 đơn vị thông qua hội nghị cán bộ công chức, viên chức để thảo luận, cho ý kiến về quy chế hoạt động, chế độ chính sách cho người lao động. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh với việc 100% sở, ngành thực hiện mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”; 9/9 huyện, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa”.

Tại các doanh nghiệp, cơ chế đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động đã thực hiện hiệu quả thỏa ước lao động tập thể, giải quyết những vấn đề nảy sinh liên quan đến quyền lợi của người lao động, khơi dậy tinh thần làm chủ, xây dựng mối quan hệ hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Đoàn kiểm tra đã trực tiếp làm việc tại xã An Thới và huyện ủy Mỏ Cày Nam; Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Cổ phần Cấp nước. Kết quả cho thấy vai trò quan trọng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, dân chủ, công khai, minh bạch. Quan tâm chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ đi vào một số lĩnh vực nóng như giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng chợ, xây dựng nông thôn mới…

Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tạo được sự đồng thuận của xã hội, phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, tham gia giám sát, góp ý kiến xây dựng các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, lắng nghe ý kiến của nhân dân và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, tạo niềm tin trong nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo khẳng định thực hiện công tác dân vận, dân chủ cơ sở là “an dân để phát triển” và “phát triển để an dân”.

Ảnh: VGP/Đình Nam
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Bến Tre trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đặc biệt là chăm lo tốt công tác an sinh xã hội, giảm hộ nghèo, đẩy mạnh y tế, nước sạch, các thiết chế, công trình văn hoá. Từ đó giúp cho công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại Bến Tre có rất nhiều điểm mới.

“Các đồng chí có những thang điểm đánh giá rất cụ thể đối với cơ quan hành chính, hay từ thực tiễn đề ra phương châm ‘tỉnh nắm đến xã, huyện nắm đến ấp, xã nắm đến hộ dân’, phong trào ‘Ba không, ba nên, ba cần’ đối với cán bộ công chức, viên chức trong thái độ, ứng xử đối với người dân. Tỉnh cũng đề ra những kế hoạch, chương trình hành động rất cụ thể, phân công trách nhiệm từng người”, Phó Thủ tướng nhận xét.

Bên cạnh đó, Bến Tre đã nhìn nhận thẳng thắn những mặt chưa được trong thực hiện dân chủ cơ sở như tỉ lệ giải quyết đơn thư khiếu kiện còn thấp, những điểm nóng về tranh chấp đất đai, lợi ích…

Theo Phó Thủ tướng, để khắc phục tình trạng này, các giải pháp đưa ra phải rất thực chất.

“Chúng ta có các phong trào làng, xã văn hóa, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa nhưng vẫn có tệ nạn xã hội, môi trường ô nhiễm, mất vệ sinh… Những câu chuyện đó tưởng chừng không liên quan đến dân chủ cơ sở nhưng nếu người dân thực sự làm chủ, Đảng, chính quyền hỗ trợ cùng Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xắn tay vào thì sẽ không phải như vậy”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ và nhấn mạnh “quan trọng nhất trong thực hiện dân chủ cơ sở là phát hiện những nơi nào, chỗ nào còn hình thức thì phải nghiêm túc đánh giá, khắc phục triệt để”.

Nhắc đến câu chuyện làm sao để người dân giám sát, phản biện hiệu quả, Phó Thủ tướng cho rằng không chỉ Bến Tre mà các địa phương phải tăng cường hơn nữa hoạt động công khai, minh bạch để người dân có cái nhìn, đánh giá, góp ý từ góc nhìn xã hội.

“Cùng với siết chặt kỷ cương, kỷ luật ở các sở, ngành, mỗi cán bộ công chức, viên chức phải nắm vững chủ trương, pháp luật, chính sách, áp dụng đúng ‘Ba không, ba nên, ba cần’ để giải thích cho người dân hiểu thì nhiều vấn đề sẽ được giải quyết. Đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài, cần kiên trì, từng bước nhưng những vụ việc mới phát sinh thì dứt khoát cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc ngay từ đầu, giải quyết dứt điểm”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Đình Nam