In bài viết

Thực hiện mục tiêu kép, trên hết phải an toàn

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc (3 cấp) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, sáng 3/10.

03/10/2020 16:19

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:Thực hiện mục tiêu kép, phải tuyệt đối an toàn vì nếu có dịch thì mọi nỗ lực phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: VGP/Đình Nam

Ngoài điểm cầu tại trụ sở Chính phủ, còn có các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trụ sở UBND các quận, huyện, thị xã.

Hội nghị đã nghe, thảo luận về các biện pháp phòng, chống dịch, vừa thực hiện mục tiêu kép nhưng phải bảo đảm an toàn trong thời gian tới.

Nguy cơ lây nhiễm luôn luôn thường trực

Thông tin về diễn biến dịch bệnh trên thế giới, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Chưa nước nào tự tin có biện pháp phòng, chống dịch bệnh tốt nhất. Dự báo, mùa đông năm nay sẽ khốc liệt đối với các nước trong phòng, chống COVID-19.

Đối với các địa phương, nguy cơ lây nhiễm luôn luôn thường trực, trong đó hai nguy cơ lớn nhất là từ người nhập cảnh (cả trái phép, hợp pháp), người mang mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng.

Đến nay, chúng ta vẫn kiên định các giải pháp phòng, chống dịch từ trước đến nay theo đúng 5 nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch sớm nhất có thể.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, hai trọng tâm cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới là công tác quản lý, cách ly người nhập cảnh, và phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế.

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn cách ly đối với các nhóm đối tượng nhập cảnh hợp pháp.

Hình thức cách ly dưới 14 ngày, không cần cách ly tập trung được áp dụng cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật người nước ngoài có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 3-5 ngày trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, tiếp tục xét nghiệm sau khi nhập cảnh và xét nghiệm định kỳ, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Các địa phương có trách nhiệm triển khai và thực hiện các biện pháp này.

Về hình thức cách ly tập trung 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày dành cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật người nước ngoài có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh vào Việt Nam từ 3-5 ngày, sau đó xét nghiệm lần 1 vào ngày thứ 1 nhập cảnh, lần thứ 2 vào ngày thứ 6 hoặc 7. Nếu tiếp tục có kết quả âm tính, những người này được cách ly tại nhà và xét nghiệm lần 3 vào ngày thứ 14.

Các trường hợp nhập cảnh khác chưa có hướng dẫn vẫn thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Việc thu phí cách ly thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác phân luồng người nhập cảnh phải được thực hiện ngay tại cửa khẩu, vận chuyển an toàn về địa điểm cách ly, đặc biệt lưu ý người nhập cảnh từ các chuyến bay thương mại.

Tất cả người nhập cảnh phải khai báo y tế điện tử bắt buộc và cập nhập nhật tình trạng sức khoẻ hàng ngày với cơ quan chức năng.

Về công tác xét nghiệm, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành y tế chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn mới, đảm bảo chính xác, tiết kiệm; có phương án xét nghiệm, giảm thời gian cách ly tập trung đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, đối tác thương mại, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam từ một số quốc gia, khu vực an toàn.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tiếp tục tăng cường năng lực cung ứng các sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh; khẩn trương nghiên cứu, sản xuất các sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất với độ chính xác cao để có thể sớm sử dụng tại cửa khẩu và tại cộng đồng. Trên 100 cơ sở có khả năng xét nghiệm trên cả nước tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực xét nghiệm hiện có để sẵn sàng nhận mẫu, hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết.

Trong phòng, chống lây nhiễm tại cơ sở y tế của Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ gắn trách nhiệm với người đứng đầu, tạm đình chỉ công tác nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

“Chúng ta càng xét nghiệm nhanh thì khoanh vùng càng hiệu quả. Đây là bài học rút ra từ Đà Nẵng”, ông Nguyễn Thanh Long cho biết.

Thần tốc và triệt để

Là người trực tiếp làm việc tại các ổ dịch ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Hạ Lôi (Hà Nội), Bình Thuận, TP. Đà Nẵng, tại cuộc họp, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã trao đổi với các địa phương một số kinh nghiệm mang tính sống còn.

Theo PGS.TS Trần Như Dương, trong chống dịch COVID-19, việc truy vết các trường hợp F1 ngay khi phát hiện ca bệnh là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định, với nguyên tắc truy vết là phải “Thần tốc và triệt để”. Yêu cầu đặt ra là xác định hết các trường hợp F1, không được để sót, lọt, trong thời gian ngắn nhất.

Khi truy vết được F1 phải nhanh chóng đưa ngay ra khỏi cộng đồng, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà.

Khi xuất hiện các điểm nóng dịch tễ, ổ dịch phức tạp, có các yếu tố dịch tễ khó kiểm soát thì phải tiến hành khoanh vùng, cách toàn bộ, dập dịch triệt để ở bên trong để ngăn chặn không cho lan rộng trong cộng đồng và không để lây lan sang các vùng khác, địa phương khác.

Đáng chú ý, trong đợt chống dịch vừa qua, tại miền Trung, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền các địa phương đã thành lập được hàng nghìn tổ phòng, chống dịch COVID cộng đồng (Đà Nẵng: 2.200 tổ, Quảng Nam: 5.500 tổ, Quảng Ngãi: 2.300 tổ, Quảng Trị: 4.434 tổ). Với số lượng này, đồng nghĩa với việc chúng ta đã huy động thêm được gần 3 vạn người trực tiếp tham gia chống dịch một cách tích cực và hiệu quả tại cộng đồng. Những tổ COVID cộng đồng chính là hạt nhân của phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch.

Nhóm công tác của PGS.TS Trần Như Dương đã dự thảo cuốn “sổ tay hướng dẫn truy vết người tiếp xúc với ca bệnh COVID-19” dựa trên những kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn.

Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá qua hai đợt dịch vừa qua, các địa phương đã rút ra nhiều kinh nghiệm đáng quý trong đó việc một địa phương hình thành được hàng nghìn tổ COVID cộng đồng là rất quan trọng. “Chống dịch như chống giặc và toàn dân đã cùng tham gia chống giặc”.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã thông tin về việc thực hiện giải pháp bảo đảm an toàn trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện theo Bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus Corona tại doanh nghiệp do UBND Thành phố ban hành. Dựa trên việc tự đánh giá, kết quả kiểm tra thực tế, UBND TPHCM quyết định doanh nghiệp được hoạt động hay phải tạm dừng để thực hiện các biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Bộ Chỉ số này đã được áp dụng đến hơn 12.000 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Đây là kinh nghiệm rất đáng quý.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Những bài học, kinh nghiệm lớn

Trao đổi trực tiếp với lãnh đạo địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chúng ta thực hiện mục tiêu kép, phải tuyệt đối an toàn vì nếu có dịch thì mọi nỗ lực phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Đó đây đã xuất hiện tâm lý chủ quan, nơi lỏng không chỉ trong xã hội mà cả trong cơ quan nhà nước. Chúng ta đã có bài học Đà Nẵng và không để bài học đấy trở thành vô nghĩa.

Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài sang năm 2021 như dự báo của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế khác.

Phó Thủ tướng nêu ba bài học chung nhất đã được tất cả các nước trên thế giới đúc kết trong phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, đeo khẩu trang là biện pháp đơn giản nhất, hiệu quả nhất. Việc phát hiện nhanh, truy vết, cách ly người nhiễm trong thời gian sớm nhất là biện pháp có tính chất quyết định. Giãn cách xã hội là giải pháp quan trọng để làm chậm tốc độ lây lan dịch.

Một số kinh nghiệm lớn được rút ra trong công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam thời gian qua là có hệ thống chính trị chỉ đạo xuyên suốt, sự vào cuộc của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương, các bộ ngành, đoàn thể chính trị-xã hội… Nhân dân ủng hộ, tham gia và có nhiều nghĩa cử cảm động. Chúng ta có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, thường xuyên trong nghiên cứu, phân lập virus, nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, vaccine, phác đồ điều trị…

Chiến lược của Việt Nam là chiến lược của một nước nghèo nên các biện pháp phòng, chống dịch được đặt cao hơn một mức, sớm hơn một bước so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới để hạn chế ít nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Bằng công nghệ thông tin, các lực lượng phòng, chống dịch đã được kết nối chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, giữa các ngành để truy vết, theo dấu ca nhiễm, hỗ trợ điều trị từ xa.

Quan trọng nhất là lực lượng quân đội, tiếp đó là lực lượng công an đã tham gia phòng, chống dịch ngay từ những ngày đầu cùng với lực lượng y tế. Đây là điểm độc đáo trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam, tới đây phải tiếp tục phát huy.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới chúng ta phải làm tốt hơn nữa 5 nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất có thể.

Dịch không trừ một ai, một địa phương nào. Không chỉ riêng Đà Nẵng mà tỉnh nào cũng có thể xuất hiện dịch. Tuy nhiên, bài học rút ra từ Đà Nẵng là dù chúng ta đã cảnh báo phải giữ tuyệt đối an toàn các cơ sở y tế, đặc biệt là các khoa hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, có nhiều bệnh nhân nặng, có bệnh nền dài ngày nhưng dịch đã lây nhiễm sau khoảng 2 tuần mới phát hiện ra. Hoàn toàn nhiều nơi có thể bị như thế nếu chúng ta không siết lại kỷ cương.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng ngay hệ thống giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà máy, xí nghiệp, trụ sở cơ quan nhà nước, địa điểm công cộng, vui chơi, giải trí…

Bộ Y tế chịu trách nhiệm rà soát lại các hướng dẫn, phối hợp với bộ ngành liên quan để xây dựng các bộ tiêu chí chi tiết, cụ thể, khả thi để từng trường học, bệnh viện, siêu thị, khách sạn… có thể thực hiện được, cập nhật trực tuyến theo thời gian thực. Các bộ ngành, địa phương phải kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.

Đình Nam