![]() |
Giám đốc Trung tâm DBKTTV quốc gia nhận định tình hình bão số 2. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai. |
Sáng 2/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp về ứng phó với bão số 2.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm DBKTTV quốc gia nhận định dự kiến từ trưa đến đầu giờ chiều ngày 2/8, bão số 2 đổ bộ vào đất liền với tâm bão ở khu vực các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An, sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Về tình hình mưa, dự báo trong ngày và đêm 02/8, các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Trị có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 100-150mm, có nơi trên 150mm; Từ ngày 2-5/8, Bắc Bộ có mưa 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt. Trong ngày và đêm 2/8, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa 50-100mm.
Đại diện Tổng cục Thủy lợi cho biết phần lớn các hồ chứa thủy lợi ở Bắc Bộ và Tây Nguyên đang ở mức đạt 17-70% dung tích thiết kế, riêng các hồ có dung tích lớn như hồ Khe Là 98% (Nghệ An), Bộc Nguyên 95% (Hà Tĩnh). Ở khu vực Tây Nguyên, một số hồ đang tích nước cao như Đắk Kan 100%, Đắk Loy 100% (Kon Tum), Ea Soup hạ 100%(Đắk Lắk), Đắk Rtang 100% (Đắk Nông). Các hồ chứa hiện đang vận hành theo đúng quy trình bình thường.
Theo báo cáo của đại diện Bộ Công Thương, các hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà dưới mực nước cho phép từ 0,41m - 19,03m; tổng dung tích còn lại đến mực nước đón lũ là 4,49 tỷ m3, đến mực nước dâng bình thường là 12,51 tỷ m3. Các hồ thủy điện khu vực miền Trung mực nước còn thấp. Riêng thủy điện Khe Bố trên sông Cả dung tích đạt 90%; hồ Hố Hô mực nước thượng lưu 63,92m/70m (MNDBT), dự kiến 10h ngày 02/8 xả 100-500m3/s qua tràn. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết hiện hồ Hoà Bình có dung tích mực nước đón lũ là 3 tỷ m3 và đề xuất để hồ Hoà Bình tích thêm nước để phục vụ sản xuất.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đến 5h00 sáng 2/8, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.174 tàu/233.900 lao động; các tàu thuyền các tỉnh từ Nam Định đến Nghệ An đã vào neo đậu tránh trú; có 2 sự cố tàu thuyền xảy ra, 1 tàu cá ở Thanh Hóa bị hỏng máy, trôi dạt trên biển hiện đã được lai dắt vào khu vực an toàn và 1 tàu cá ở Nghệ An đang neo đậu tránh trú bão bị sóng đánh chìm, ước tính thiệt hại 150 triệu đồng.
Hiện nay đã kêu gọi, di dời tất cả những người trên các ao đầm, lồng bè vào khu vực an toàn.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công điện số 1021/CĐ-TTg ngày 01/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh hiện nay thông qua hệ thống phần mềm theo dõi giám sát tàu cá, vẫn còn các tàu thuyền hoạt động trên biển ở trong khu vực nguy hiểm, do đó cần hết sức lưu ý theo dõi chặt chẽ tình hình tàu thuyền đồng thời yêu cầu cần khẩn trương rà soát, kiểm đếm thông báo tới các tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn và chuẩn bị sẵn sàng công tác cứu hộ cứu nạn khi có tình huống khẩn cấp.
Đối với khu vực đồng bằng: Cần theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, ngập úng chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêu úng.
Đối với khu vực trung du và miền núi: Cần tăng cường theo dõi, giám sát vận hành kịp thời hồ chứa, đặc biệt lưu ý các hồ chứa nhỏ; kiểm tra, rà soát các công trình hồ chứa và khu vực hạ du để đảm bảo an toàn cho người dân ở hạ du.
Đối với các hồ thủy điện: Tập đoàn Điện lực theo dõi giám sát đồng thời có báo cáo kịp thời về việc vận hành hồ chứa theo quy trình đảm bảo an toàn. Đặc biệt cần lưu ý, theo dõi chặt chẽ đặc biệt đối với các hồ thủy điện nhỏ.
Trung tâm DBKTTV quốc gia tiếp tục theo dõi cung cấp thông tin kịp thời tình hình mưa bão, tuy nhiên cần lưu ý theo dõi tình hình mưa lớn đang xảy ra ở Lào.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo tổ chức trực ban thường xuyên, theo dõi chặt chẽ tình hình, kiểm tra hệ thống cơ sở dữ liệu và các trạm đo chuyên dùng, cung cấp thông tin kịp thời cho địa phương.
Theo dõi tình hình lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung bộ, tình hình mưa lũ ở các lưu vực sông đặc biệt sông Gianh ở Quảng Bình.
Thanh Xuân