Một bệnh nhân được ghép tế bào gốc đang điều trị tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Ảnh: VGP/Hiến Minh |
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khẳng định, phương pháp ghép tế bào gốc điều trị các bệnh máu ác tính là một trong những phương pháp “mũi nhọn” hiện nay tại Viện, nhằm giúp bệnh nhân có thể điều trị bệnh tốt nhất với chi phí tiết kiệm nhất.
Theo Ths.BS Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, với phương pháp ghép tế bào gốc, những bệnh nhân mắc các bệnh máu ác tính sẽ có nhiều hơn rất nhiều cơ hội được sống như những người khoẻ mạnh bình thường.
Từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên thực hiện vào tháng 6/2006 đến nay, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thực hiện thành công 100 ca ghép tế bào gốc điều trị các bệnh máu ác tính, trong đó đa số là trường hợp ghép tự thân và ghép đồng loại.
Đối với phương pháp ghép tự thân, tỷ lệ thành công từ 70-80%, phương pháp này được thực hiện với những nhóm bệnh như: đa u tuỷ xương, u lympho ác tính, lơ xê mi cấp.
Với phương pháp ghép đồng loại, tỷ lệ thành công từ 65-70%, được thực hiện với các nhóm bệnh như: lơ xê mi cấp, suy tuỷ xương, lơ xê mi kinh, rối loại sinh tuỷ, đái huyết sắc tố và thiếu máu Diamond Blackfan.
“Đặc biệt, với phương pháp ghép đồng loại, từ tháng 11/2013, Viện đã triển khai ghép tế bào gốc đồng loại lần đầu tiên cho bệnh nhi. Đến nay, đã có 3 bệnh nhi được thực hiện theo phương pháp này và sức khỏe của các cháu đang phục hồi tốt”, BS.Ths Bạch Quốc Khánh cho biết.
Ông Bạch Quốc Khánh cũng cho biết, chi phí cho mỗi ca ghép thuộc phương pháp ghép tế bào gốc tự thân khoảng 200 triệu đồng; trừ khoản chi phí bảo hiểm chi trả, người bệnh phải trả khoảng 100 triệu đồng.
Đối với ghép tế bào đồng loại, mỗi ca có tổng chi phí khoảng 600 triệu đồng; trừ khoản chi phí bảo hiểm chi trả, người bệnh phải trả khoảng 200-300 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Với kết quả trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đánh giá cao và ghi nhận thành tựu 100 ca ghép tế bào gốc thành công tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.
Thứ trưởng yêu cầu thời gian tới, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cần nghiên cứu xây dưng ngân hàng tế bào gốc để nhiều bệnh nhân có cơ hội lựa chọn được người hiến tế bào gốc phù hợp cho ghép; nghiên cứu và mở rộng các nhóm bệnh nhân được ghép tế bào gốc điều trị bệnh. Đồng thời, xây dựng và đề xuất để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về việc nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh, đặc biệt là các quy trình kỹ thuật, tiến tới việc xây dựng Luật về tế bào gốc.
Ở Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc đã được tiến hành từ những năm 1990. Năm 1995, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Hồ Chí Minh đã tiến hành ca ghép tế bào gốc tạo máu đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh máu. Đến nay, cả nước đã có nhiều cơ sở nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu như BV Trung ương Huế, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, BV Nhi Trung ương... |
Hiền Minh